Vào 29-4, tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phóng thành công module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Hà bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng trạm không gian riêng của nước này. Tuy nhiên, thay vì rơi xuống địa điểm đã định trước trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B lại bắt đầu xoay quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp trong tình trạng mất kiểm soát.
Với trọng lượng khoảng 21 tấn, dài 30m và rộng 5m, bộ phận còn sót lại của tên lửa Trường Chinh 5B đang bay trên quỹ đạo quanh Trái Đất mỗi 90 phút/vòng, với tốc độ 27.600 km/giờ ở độ cao trên 300 km. Kể từ cuối tuần trước cho đến nay, bộ phận còn sót lại này đã giảm độ cao khoảng gần 80km. Theo quan sát của các nhà thiên văn nghiệp dư dưới mặt đất, tên lửa này đang trong tình trạng vô cùng bất ổn.
Một số tính toán cho thấy, tầng trung tâm của tên lửa Trường Chinh 5B sẽ lao vào bầu khí quyển vào ngày 8/5 tới đây. Khi lao qua khí quyển Trái đất, nó có thể bị thiêu cháy, nhưng nhiều khả năng vẫn còn nhiều mảnh lớn tên lửa sót lại và sẽ rơi rải rác trong khu vực rộng 160km.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi vào trạng thái mất kiểm soát trong quá trình hồi quyển. Vào tháng 5/2020, một sự cố tương tự đã xảy ra.
"Đây là lần phóng thứ hai của loại tên lửa này, Trường Chinh 5B". "Lần phóng đầu tiên diễn ra vào một năm trước. Khi tên lửa này hồi quyển, nó đã gây ra một số thiệt hại cho các ngôi làng ở Bờ Biển Ngà (Châu Phi), khiến một số mảnh vỡ kim loại rơi vãi khắp nơi trên một khu vực rộng 100 dặm. Rất may mắn không ai bị thương", Jonathan McDowell, Nhà Vật lý Thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn tại Đại học Harvard, cho biết.
Đáng chú ý, việc Trung Quốc mất kiểm soát với tầng trung tâm của tên lửa Trường Chinh 5B không phải một sơ suất hay tai nạn. Thay vào đó, nguyên nhân chính đến từ chính thiết kế của loại tên lửa đẩy này. Theo trang Inverse, các nhà sản xuất tên lửa thông thường (như của Nga và Mỹ) phải tính đến trường hợp các mảnh vỡ tên lửa rơi tự do và đảm bảo điều đó không xảy ra. Để làm được điều này, tên lửa cần được lắp thêm một tầng đẩy để hướng nó rơi xuống các điểm đáp an toàn như ở trên biển sau khi hồi quyển. Hoặc, tên lửa phải được trang bị hệ thống ổn định và động cơ có thể tái khởi động, nhờ đó có thể giúp tên lửa giảm tốc độ và xoay 180 độ để rơi xuống đại dương.
Tuy nhiên, dòng tên lửa Trường Chinh 5B hoàn toàn không được tích hợp 2 tính năng trên.
"Và do đó, nó chỉ đi vào quỹ đạo theo cách cũ là hồi quyển một cách không kiểm soát và điều đó rất bất thường ngày nay," chuyên gia McDowell phân tích. Mặc dù vẫn chưa có luật quốc tế yêu cầu tên lửa phải được chế tạo như trên, nhưng các cơ quan vũ trụ trên thế giới đều tuân thủ quy định này.
"Khi họ thực hiện thiết kế đó, họ nên dừng lại và nghĩ," bạn biết đấy, điều đó sẽ để lại một lượng lớn mảnh vỡ trong quỹ đạo, chúng ta nên thay đổi thiết kế của động cơ ". "Nhưng họ đã không làm vậy. Đây là sơ suất thực sự ", chuyên gia McDowell kết luận.
Nguồn: Genk.vn - Tham khảo Inverse