Theo Hãng tin Reuters, các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây đã đề xuất ý tưởng phóng 23 tên lửa Trường Chinh 5 để làm chệch hướng quỹ đạo của một thiên thạch cỡ lớn có khả năng va chạm với Trái Đất.
Được biết, ý tưởng này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia Trung Quốc thực hiện các mô phỏng trên máy tính. Theo đó, việc ‘bắn phá’ cùng lúc bằng 23 tên lửa đẩy Trường Chinh 5 ở khoảng cách bằng 1,4 lần bán kính Trái đất có thể làm chệch hướng bay của thiên thạch cỡ lớn.
Các nhà khoa học Trung Quốc tính toán dựa trên dữ liệu từ Bennu - thiên thạch được mệnh danh "thiên thạch Ngày tận thế". Với chiều dài lớn hơn chiều cao tòa nhà Empire State ở Mỹ và nặng gấp 1.664 lần tàu Titanic, thiên thạch Bennu là được coi là mối đe dọa tiềm ẩn với Trái Đất. Theo tính toán, một thiên thạch rộng khoảng 500 mét (1.640 feet) được xếp vào loại gây thiệt hại tầm khu vực hoặc lục địa, đồng thời có thể giết chết hàng triệu người nếu nó va chạm với Trái Đất. Trong khi đó, các thiên thạch có kích thước dài hơn 1 km sẽ gây ra hậu quả toàn cầu.
Về cơ bản, việc thay đổi quỹ đạo của một thiên thạch được cho là ít rủi ro hơn so với việc để cho thiên thạch đó nổ tung thành nhiều mảnh vỡ nhỏ, vốn vẫn có thể gây hại cho Trái Đất.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng có kế hoạch sử dụng một tàu vũ trụ không người lái để ‘đánh chặn’ 2 thiên thạch khá gần Trái Đất. Thời điểm phóng tàu vũ trụ này dự kiến rơi vào cuối 2021- đầu 2022. Sau khi mất 1 năm di chuyển đến mục tiêu, tàu vũ trụ của NASA sẽ lao thẳng vào bề mặt của thiên thạch nhỏ hơn (trong số 2 thiên thạch này). Các nhà khoa học lúc đó có thể quan sát quỹ đạo của thiên thạch sẽ thay đổi ra sao sau cú va chạm. Nếu thành công, sứ mệnh của NASA sẽ đánh dấu sự kiện lần đầu tiên con người có thể thay đổi quỹ đạo của một thiên thể.
Về Trường Chinh 5, đây được coi là mẫu tên lửa đóng vai trò chìa khóa cho tham vọng chinh phục không gian trong ngắn hạn của Trung Quốc – bao gồm việc đưa các module lên không gian để xây dựng trạm Thiên Cung, hay đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng và sao Hỏa. Trung Quốc đã phóng thành công 5 tên lửa Trường Chinh 5 kể từ năm 2016. Tuy nhiên, trong lần phóng gần nhất vào tháng 5, một mảnh vỡ của tên lửa này trong quá trình hồi quyển đã gây ra một số lo ngại về an toàn, khi rơi mất điều khiển xuống Ấn Độ Dương.
Tham khảo Reuters
Nguồn: Genk