Nếu bạn đang đọc, chia sẻ một tệp PDF trên máy tính hay smartphone, hãy biết ơn người đàn ông này. Vào năm 1980, ông và một đồng nghiệp đã tạo ra phương thức gửi tài liệu kỹ thuật số tới máy in, và cùng thành lập một công ty tên gọi là Adobe.
Tiến sĩ Chuck Geschke là một nhà khoa học máy tính và nhà khởi nghiệp, người đã góp công phát triển những phương thức cơ sở để tạo ra, chia sẻ và in ấn tài liệu kỹ thuật số trong thời kì đầu của máy tính cá nhân, đặc biệt là loại tệp tin phổ biến PDF. Ông đã qua đời hôm thứ Sáu tuần trước, ngày 16 tháng Tư tại nhà riêng ở Los Altos, California. Ông hưởng thọ 81 tuổi.
Vợ ông, bà Nancy, chia sẻ rằng ông ra đi vì căn bệnh ung thư.
Vào năm 1980, tại phòng thí nghiệm Xerox PARC nổi tiếng nằm giữa Thung lũng Silicon, tiến sĩ Geschke và người đồng nghiệp John Warnock đã tạo ra một phương thức gửi tài liệu giữa máy tính và máy in. Những ông chủ tại Xerox khi đó đáp lại rằng họ có thể tung công nghệ này ra thị trường trong khoảng 7 năm. Tiến sĩ Geschke và tiến sĩ Warnock, những người tin rằng họ sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn nếu không triển khai nhanh hơn, đã rời Xerox và thành lập công ty của riêng mình, với tên gọi là Adobe.
Họ lập tức lao vào làm việc để tung ra thị trường công nghệ in ấn của mình. Người đồng sáng lập Apple - Steve Jobs đã tới thăm văn phòng nhỏ của họ ở Mountain View, California vào năm 1983 và đã đề nghị mua lại startup mới này. Đôi bạn Geschke và Warnock đã từ chối, nhưng phía Apple đã đồng ý sử dụng công nghệ của họ ngay trong năm đó, với tên gọi đã trở thành quen thuộc - PostScript.
Chỉ sau đó một tháng, Apple giới thiệu máy tính Macintosh, thứ sẽ trở thành kiểu mẫu cho máy tính để bàn, máy tính xách tay và điện thoại thông minh suốt 4 thập kỉ sau đó. Loại máy in dùng với dòng máy này, chiếc Apple LaserWriter, được ra mắt sau đó một năm, dựa trên PostScript và được tạo ra nhờ vào sự hợp tác với Adobe. Tiến sĩ Geschke khi đó đóng vai trò Giám đốc Điều hành (COO), Adobe trở thành một trong những công ty đi đầu trong làn sóng xuất bản điện tử tại gia.
Trong quá khứ, bất cứ ai muốn in một tờ bướm, một bản tin hay báo cáo tài chính sẽ cần tìm tới một cửa hiệu in chuyên nghiệp. Nhờ vào PostScript và một số công nghệ khác, các doanh nghiệp hay cá nhân có thể tự mình xử lí những việc như vậy.
Ông David C. Brock, người chịu trách nhiệm tại Trung tâm Lịch sử Phần mềm tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính nằm ở Mountain View, cho biết: “PostScript đã cung cấp một ngôn ngữ cho phép phần mềm máy tính giao tiếp với một dòng máy in mới giá rẻ. Nó mở ra thời kì mà người ta có thể tự in những gì mình muốn.”
Trong những năm sau đó, Adobe đã tung ra một lượng lớn những công cụ, phần mềm phục vụ việc tạo ra và in ấn tài liệu, cũng như đồ họa kỹ thuật số và các công cụ hình ảnh khác. Rất nhiều trong số đó, như Acrobat, Illustrator và Photoshop, trở thành một trong những phần mềm phổ biến nhất trên máy tính cá nhân.
Nhưng sản phẩm phổ biến và truyền cảm hứng nhất của Adobe có lẽ là một phiên bản PostScript cho thời đại internet: định dạng tệp tin Portable Document Format - PDF, cho tới nay vẫn là hình thức quan trọng nhất trong việc gửi và in tài liệu với mọi thiết bị kết nối internet. Giám đốc Điều hành hiện tại của Adobe, ông Shantanu Narayen chia sẻ: “Một nền văn minh tồn tại trên các văn bản được viết ra. Chuck và John đã mang điều đó tới thời kì hiện đại.”
Tên đầy đủ của ông Chuck là Charles Matthew Geschke. Ông sinh ra lại Cleveland, vào ngày 11 tháng Chín năm 1939. Mẹ ông, bà Sophia Geschke làm trợ lí luật sư tại tòa án phá sản Cleveland. Cha ông, Matthew, làm nghề khắc bản in ảnh, với nhiệm vụ chuẩn bị những bản in sử dụng trên báo và tạp chí. Ông Matthew thường nói với con trai rằng có 2 thứ nên tránh trên đời: kinh doanh ngành in và thị trường chứng khoán. Đã có lúc mà Chuck Geschke nghe theo lời khuyên của cha mình.
Là một người Công giáo La Mã, ông theo học trường cấp 3 dòng Tên tại Cleveland cũng như tham gia một chủng viện dòng Tên sau khi tốt nghiệp. Nhưng ông đã rời đi trước khi kết thúc năm thứ 4, với lí do rằng chính ông và những người dòng Tên cho rằng ông không phù hợp để trở thành một tư tế. Thế giới máy tính có lẽ đã khác đi hoàn toàn nếu Geschke đi theo con đường này.
Sau đó, ông đăng kí theo học trường đại học tư nhân dòng Tên - Xavier University ở Cincinnati và lấy bằng văn học kinh điển tại đây. Sau đó ông tiếp tục học lên thạc sĩ ngành Toán học, trước khi trở thành giáo sư toán tại Đại học John Carroll, một trường đại học công giáo nhỏ ở Cleveland.
Cuộc đời ông rẽ sang hướng khác một lần nữa vào những năm 60, khi ông khuyên một sinh viên khó khăn hãy rời trường đại học. Năm sau đó, sinh viên này quay trở lại, nói với ông: “Điều tuyệt vời nhất thầy từng làm là đuổi học em.”. Anh ta đã tìm được một công việc - bán máy tính cho hãng General Electric với mức lương cao, và rồi anh ta đã dạy người thầy cũ của mình cách viết một chương trình máy tính trên những cỗ máy tính lớn thời đó.
Trong số những chương trình đơn giản mà Chuck Geschke tạo ra mùa hè năm đó, là một phần mềm có chức năng in những phong thư thông báo ngày ra đời của con gái ông. Không lâu sau đó, ông đăng ký học lên tiến sĩ ngành khoa học máy tính - khoa mới mở tại trường Đại học Carnegie Mellon danh tiếng tại Pittsburgh. Ông nhận bằng tiến sĩ vào năm 1972 và bắt đầu làm việc tại Xerox PARC ngay năm đó. Năm năm sau, khi ông đang lập một nhóm nghiên cứu mới về “khoa học hình ảnh”, ông đã thuê tiến sĩ Warnock. Kết quả của nhóm nghiên cứu là một ngôn ngữ mới, cho phép máy tính tạo ra tài liệu cho máy in.
Những người khác tại PARC khi đó đã phát triển một loại máy tính cá nhân tên gọi là Alto, với giao diện đồ họa phù hợp với phương thức in ấn điện tử mà cặp đôi Geschke - Warnock hình dung. Sau khi Steve Jobs tới thăm Xerox PARC năm 1979 trong “cuộc đánh cắp vĩ đại”, chiếc Alto chính là thiết bị đã tạo ảnh hưởng cho giao diện đồ họa của máy Macintosh. Thế nên việc Jobs tiếp cận Adobe là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Một năm sau khi chiếc máy in Apple LaserWriter ra mắt, Adobe bắt đầu phát hành công khai lần đầu - IPO. Lúc này thì tiến sĩ Geschke đã làm ngược lại lời khuyên của cha mình: ông tham gia cả việc kinh doanh in ấn và thị trường chứng khoán. Ngày nay, Adobe là một trong những công ty phần mềm lớn nhất trên thế giới, với giá trị vốn hóa ở mức 245 tỉ USD.
Hai đồng sáng lập Adobe nhận Huân chương Quốc gia về Công nghệ và Đổi mới tại Nhà Trắng, năm 2009.
Sự tăng trưởng nhanh của Adobe kéo theo nhiều vấn đề khác, trong đó có an ninh cá nhân. Vào năm 1992, hai người đàn ông đã dùng súng bắt cóc tiến sĩ Geschke tại bãi đỗ xe trụ sở Adobe, và giam giữ ông trong vòng 4 ngày tại một ngôi nhà thuê tại Hollister, California. Gia đình ông đồng ý trả khoản tiền chuộc 650.000 USD, nhưng ngay sau khi con gái ông, Kathy, bỏ lại số tiền tại điểm được chỉ định, các đặc vụ FBI đã bắt được những kẻ bắt cóc và giải cứu tiến sĩ Geschke.
Ông tiếp tục là giám đốc điều hành Adobe trong 2 năm nữa, cũng như giữ chức chủ tịch công ty cho tới năm 2000 và chủ tịch hội đồng quản trị cho tới năm 2017. Ông cũng là thành viên hội đồng của các tổ chức khác như Dàn nhạc Giao hưởng San Francisco, Câu lạc bộ Thịnh vượng chung California, và là chủ tịch hội đồng tại Đại học San Francisco.
Ông và người bạn - tiến sĩ Warnock đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Quốc gia về Công nghệ và Đổi mới vào năm 2009.
Dù cho ông đã góp công xây dựng một trong những công ty có giá trị nhất trên thế giới, tiến sĩ Geschke không cho rằng mình là một doanh nhân. Ông thích nói rằng mình chưa bao giờ học làm kinh tế và mới chỉ đọc một cuốn sách về chủ đề này.
Thay vào đó, theo lời ông, thì ông thấy mình giống một kĩ sư hơn. “Những người kĩ sư mơ ước tạo nên thứ gì đó mà hàng triệu người sẽ sử dụng, đó là mục đích tối thượng của họ.”, ông nói trong một sự kiện tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính hồi năm 2017, “Tôi không nghĩ rằng có nhiều kĩ sư làm mọi thứ vì tiền. Động lực của họ là tạo ra sự ảnh hưởng.”
Nguồn: Genk.vn