Tham vọng thu hẹp khoảng cách giữa laptop và tablet đã được Microsoft nhen nhóm từ năm 2011 với Windows 8 và hầu hết chúng đều kết thúc trong thất bại. Thế nhưng Windows 11 đang mang lại cơ hội hồi sinh tham vọng đó cho công ty với những tính năng mới mẻ của mình.
Dựa trên màn giới thiệu của Microsoft, nhiều tính năng trên Windows 11 sẽ làm máy tính PC hoạt động giống với tablet hơn mà không phải hy sinh chức năng laptop của nó. Điều này có thể sẽ giúp cho tầm nhìn từ hàng thập kỷ nay của Microsoft trở thành sự thật, cũng như biến các laptop cảm ứng Windows 11 trở thành đối thủ lớn nhất cho iPad của Apple.
Để hiểu tại sao Windows 11 lại quan trọng như vậy đối với tham vọng của Microsoft, cần nhìn lại điều gì đã làm Windows 8 thất bại.
Windows 8 khác biệt hoàn toàn so với thói quen dùng máy tính của mọi người, một phần lý do của việc nó bị xa lánh
Ra mắt vào năm 2012, Windows 8 hứa hẹn mang lại cảm giác hiện đại hơn vào thời điểm mọi người cho rằng tablet sẽ đe dọa đến laptop. Họ thay thế giao diện truyền thống của Windows – bao gồm loại bỏ nút Start và menu – bằng một các ô Tile để dễ thao tác bằng cảm ứng hơn. Một màn hình khởi động mới và hỗ trợ các cử chỉ vuốt trên màn hình cảm ứng.
Tuy nhiên, vấn đề là hàng loạt các thay đổi đó diễn ra quá đột ngột so với thói quen của người dùng. Thay vì dần dần làm Windows trở nên thân thiện hơn với giao diện mobile theo thời gian, Microsoft buộc người dùng phải học lại toàn bộ cách dùng Windows vì các thay đổi lớn này.
Kết quả Windows 8 hầu như không được đón nhận, với lượng người cài đặt còn thấp hơn cả Windows Vista. Một số còn gọi đây là bản Windows tệ nhất từ trước đến nay.
Năm 2015, Microsoft sửa sai bằng Windows 10, với nỗ lực khắc phục các sai lầm của chiến lược ưu tiên mobile bằng cách mang Start Menu quay trở lại cũng như nhiều thay đổi khác để cải thiện trải nghiệm giao diện desktop.
Các thiết bị Windows 10 với màn hình cảm ứng và thiết kế linh hoạt có thể được sử dụng như tablet nhưng chúng không mang lại cảm giác đồng nhất và mượt mà như một tablet thực thụ.
Giờ đây với Windows 11, các vấn đề này có thể được giải quyết triệt để hơn, khi mang lại đến sự cân bằng giữa desktop và mobile mà công ty mong muốn từ lâu. Triết lý của nó hoàn toàn ngược lại so với Windows 8. Thay vì buộc người dùng phải làm quen với hệ điều hành mới, Windows 11 nỗ lực hết mình để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Trong hệ điều hành mới, giao diện trên desktop và mobile về cơ bản là tương tự nhau, không giống như Windows 10. Các phím bấm trên màn hình lớn hơn sẽ làm việc quản lý các cửa sổ dễ dàng hơn so với Windows 10. Bàn phím cảm ứng mới được thiết kế nhỏ hơn và được chuyển tới góc màn hình giúp gõ văn bản bằng một tay dễ dàng hơn – giống như cách chúng ta đang làm với điện thoại.
Các widget trên Windows 11 đã được thiết kế trở nên thân thiện hơn với màn hình cảm ứng
Windows 11 cũng mang đến nhiều widget mới cung cấp nhanh thông tin cũng như tình hình thời tiết cho người dùng – một điều thường thấy đối với các smartphone hiện nay. Thao tác vuốt màn hình cảm ứng cũng tương tự như cách dùng bàn rê chuột để điều hướng Windows 11, mang lại sự đồng nhất lớn hơn giữa laptop và tablet.
Nếu các thay đổi này chưa đủ để thuyết phục người dùng rằng Microsoft đang nghiêm túc thế nào với nỗ lực thu hẹp khoảng cách PC và mobile, công ty còn mang đến tính năng chạy ứng dụng Android trên Windows 11. Làm được điều này sẽ giúp Microsoft cạnh tranh tốt hơn với Apple và Google, khi hai hãng này cũng đang mang ứng dụng di động lên hệ điều hành desktop của mình.
Nhưng trên hết, thiên thời dường như đang ủng hộ Windows 11. Windows 8 ra mắt vào thời điểm khi hầu hết mọi người đều đang quan tâm có một chiếc tablet hơn là laptop. Thế nhưng giờ thời thế đã khác. Nhu cầu làm việc cơ động hơn đã thúc đẩy mọi người quan tâm hơn bao giờ hết đến laptop và còn gì tuyệt hơn khi nó cũng có trên mình các ưu điểm của tablet.
Thế nhưng với những thất bại trong quá khứ của Microsoft đối với tham vọng này, vẫn cần một thời gian nữa cũng như sự xuất hiện chính thức của Windows 11 để biết được liệu kế hoạch của Microsoft có đi đúng hướng hay không.
Tham khảo BusinessInsider
Nguồn: Genk