Có hai mẩu tin tốt liên quan tới Kính viễn vọng Không gian James Webb. Thông tin đầu tiên đã được hầu hết các đầu báo lớn đưa, ấy là kính đã mở thành công, và đang chờ các nhà khoa học hoàn thiện những tinh chỉnh, thử nghiệm cuối cùng trước khi đi vào hoạt động. Quá trình dài và phức tạp đã hoàn thành, giờ là lúc kính lững thững bay tới điểm hẹn với định mệnh.
Tin thứ hai không được nhiều người nhắc tới, nhưng vẫn quan trọng và đem lại vô vàn hy vọng. Trong một buổi họp báo diễn ra cuối tuần trước, kỹ sư Mike Menzel thuộc dự án kính James Webb khẳng định NASA đã hoàn thành màn kiểm tra lượng nhiên liệu thừa, và khẳng định số chất đốt còn lại sẽ đủ để Webb sử dụng trong 20 năm nữa.
Trước khi kính James Webb lên không, NASA ước tính kính Webb sẽ có quãng đời làm khoa học khoảng 10 năm. Con số này dựa trên hiệu năng của tên lửa Ariane 5 đã đưa thiết bị nghiên cứu tiên tiến lên không hồi cuối năm ngoái.
Nằm trong tên lửa đứng trên bệ phóng, kính Webb mang trên mình 240 lít nhiên liệu hydrazine và chất oxi hóa dinitrogen tetroxide. Một phần nhiên liệu sẽ được dùng trong điều chỉnh hướng thiết bị, cho phép kính viễn vọng James Webb có thể tới được điểm Lagrange 2 cách xa chúng ta khoảng 1,5 triệu km. Số còn lại sẽ dùng trong duy trì quỹ đạo kính, và chỉnh hướng nếu cần thiết.
Điều đó đồng nghĩa với việc với mỗi lít nhiên liệu tiết kiệm được, kính Webb sẽ lại có thêm năng lượng kéo dài quá trình nghiên cứu. Hiểu rằng quãng thời gian 10 năm là quá ngắn so với một thiết bị trị giá nhiều chục tỷ USD như kính James Webb, NASA đã đang lên kế hoạch tiếp nhiên liệu cho thiết bị.
Tuy nhiên, diễn biến mới cho thấy phải khoảng 20 năm nữa, Kính viễn vọng Không gian James Webb mới cần tiếp tế.
Kính Webb có thể “rủng rỉnh” nhiên liệu là nhờ hiệu năng tuyệt vời của tên lửa Ariane 5. NASA cũng như ESA (cơ quan hàng không vũ trụ Châu Âu) đã đạt được thỏa thuận từ hơn 10 năm trước, là sử dụng tên lửa Ariane 5 cho sứ mệnh đưa kính Webb vào không gian. Đổi lại, các nhà nghiên cứu châu Âu cũng sẽ được sử dụng thiết bị.
Trong buổi phỏng vấn với kênh podcast The Interplanetary, người phụ trách chương trình tên lửa Ariane 5 Rudiger Albat giải thích cách các nhà nghiên cứu châu Âu lắp ráp thiết bị bay. Các bộ phận chính của tên lửa có thể tháo rời và trao đổi, cho phép nhóm chuyên gia có thể chọn những thành phần chính xác nhất.
Sau quá trình thử nghiệm, họ lọc được những bộ phận cho kết quả khả quan nhất, từ đó tạo thành Ariane 5 có tính chính xác cao để đưa kính Webb đi đúng hướng. Không cần sử dụng nhiều nhiên liệu để chỉnh sửa quỹ đạo bay cho đúng, kính thiên văn James Webb dư dả năng lượng dùng trong quãng thời gian nghiên cứu tính bằng thập kỷ.
Trong buổi phỏng vấn, Rudiger Albat chia sẻ cảm giác nhẹ nhõm khi chứng kiến sứ mệnh diễn ra trơn tru. Giới khoa học cũng như cộng đồng yêu thích thiên văn học đồng cảm, tiếp tục để mắt chờ đợi những dữ liệu đầu tiên được Kính thiên văn Không gian James Webb thu về.
Dự kiến thiết bị sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy năm nay.
Theo ArsTechnica
Nguồn: Genk