Phát hiện ra con gấu nước trong hổ phách 16 triệu năm tuổi, nguyên vẹn bậc nhất từ trước tới nay

Người Đưa Tin13 tháng 10, 2021 • 5 min read • 

Bằng con mắt tinh tường và một chút may mắn, các nhà khoa học phát hiện ra một con gấu nước đang kẹt trong hổ phách khi tiến hành khai quật tại Cộng hòa Dominica. Phát hiện chưa từng có tiền lệ về gấu nước thời tiền sử tiếp tục mở ra những bất ngờ xoay quanh khả năng sống sót của loài sinh vật hiển vi.

Khoảng 16 triệu năm trước, một giọt nhựa cây đã ôm trọn lấy một phần của một bông hoa, ba con kiến và một con bọ. Tưởng như chừng đó hóa thạch đã là quá dư dả, vậy mà ẩn giữa những sinh vật triệu năm tuổi kia vẫn còn một con gấu nước cổ đại. Đây là hóa thạch thứ ba về gấu nước, và là con “gấu nước hổ phách” đầu tiên thuộc kỷ Đại Tân sinh, giai đoạn bắt đầu từ 66 triệu năm trước khi khủng long trên cạn không biết bay tuyệt chủng.

Gấu nước trong hổ phách.

Hóa thạch quý giá xuất hiện tại khu vực La Cumbre thuộc Cộng hòa Dominica, nơi nổi tiếng với những cụm hổ phách chứa những trang sử sống động. Nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ New Jersey và cả Đại học Harvard đã mất nhiều tháng nghiên cứu cụm hổ phách trước khi phát hiện ra con gấu nước. Sinh vật dài nửa milimet trốn kỹ tại một góc khuất của hóa thạch.

Trong buổi họp báo công bố thành quả, tác giả nghiên cứu Phil Barden mô tả đây là phát hiện “cả thế hệ mới có một lần”.

Gấu nước là một trong những sinh vật cứng cáp nhất ta từng biết. Con vật hiển vi có 8 chân có thể sống sót trong môi trường khô cằn cực độ, nhiệt độ thấp đến chết người và phóng xạ có thể ảnh hưởng tới hầu hết sinh vật sống. Chúng vẫn sống sót khi bị bắn vào tường ở vận tốc 3.240 km/h, với lực va chạm tương đương với 40.000 người đứng trên lưng bạn cùng lúc.

Nghiên cứu cho thấy gấu nước đã xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 500 triệu năm trước, và đã sống sót qua 5 sự kiện tuyệt chủng. Không mấy sinh vật trên Trái Đất có cho mình một lịch sử oai hùng như vậy.

Hình minh họa của các nhà khoa học Harvard, mô tả cảnh gấu nước đang tung tăng trên rêu thì bị nhựa cây nuốt trọn.

Điều đáng ngạc nhiên là gấu nước tới từ dòng dõi sinh vật cổ đại đã chứng kiến mọi diễn biến trên Trái Đất, từ thời điểm khủng long gục ngã rồi xa tới lúc cây cỏ bắt đầu sinh sôi”, ông Barden nói. “Vậy mà, chúng như dòng dõi đã mất khi gần như không có bằng chứng hóa thạch nào. Việc tìm thấy dấu vết của gấu nước trong lịch sử là một thời khắc đầy hào hứng, khi ta có thể thấy tiến trình phát triển của chúng dọc lịch sử Trái Đất”.

Phân tích hóa thạch, nhóm nghiên cứu chỉ ra những đặc tính thể chất khác biệt giữa gấu nước xưa và nay, thậm chí đủ khác biệt để có thể công bố cả chi và loài mới. Con gấu nước mới được phát hiện có pháp danh khoa học là Paradoryphoribius chronocaribbeus, với “chrono” là thời gian trong tiếng Hy Lạp, và “caribbeus” lấy từ Caribbean, khu vực địa lý chứa miếng hổ phách này. Nghiên cứu chỉ ra cá thể gấu nước trong hổ phách thuộc họ Isohypsibioidea, tương tự với gấu nước thời hiện đại.

Các nhà nghiên cứu khẳng định cá thể gấu nước mới được phát hiện cho hình ảnh rõ ràng nhất từ trước tới nay, khi cấu trúc bên trong, phần miệng và móng vuốt tí hon đều hiện rõ trước kính hiển vi.

Đây là lần đầu tiên giới khoa học vẽ được “nội tạng ruột trên của hóa thạch gấu nước, và phát hiện ra những kết hợp đặc tính không tồn tại trong một sinh vật sống nào”, tác giả chính của báo cáo nghiên cứu Marc Mapalo nói trong buổi họp báo. Đây là tiền đề cho các nhà khoa học khẳng định sự tồn tại của chi gấu nước mới, đồng thời ghi lại quá trình tiến hóa của chúng trong hàng triệu năm.

Nhà nghiên cứu Barden khẳng định đây mới là “bề nổi” của lịch sử gấu nước tiến hóa. Phát hiện mới hiếm có vô cùng khi đem lại một loạt những thông tin quý báu, đồng thời mang tới cả một bài học đắt giá: khi soi hóa thạch, không được bỏ lỡ một milimet nào!

Theo Gizmodo

Nguồn: Genk

#Tin Cùng Chuyên Mục
#Có Thể Bạn Chưa Biết