Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã công bố phát hiện ra một tổ hóa thạch khủng long bất thường ở Trung Quốc, mẫu hóa thạch này bảo tồn ít nhất 2 cá thể và trứng khủng long có niên đại từ 70 triệu năm trước.
Những quả trứng cổ đại này thuộc về một loài khủng long chân thú có tên Oviraptor, khi trưởng thành chúng có thể dài hơn 2 mét và nặng khoảng 35 kg. Mẫu hóa thạch này lưu giữ cả cá thể trống và mái, trong đó, con mái đang ở trong tư thế ấp trứng. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch khủng long Oviraptor trưởng thành với cơ thể nặng nề nằm đè lên trứng để ấp.
Bộ xương của loài khủng long chân thú khá giống đà điểu này được đặt trong một ổ ấp với hơn hai chục quả trứng, ít nhất bảy trong số đó đang trong quá trình phát triển và hình thành phôi thai. Cảnh tượng cổ xưa chưa từng có này đã cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy khủng long đẻ trứng và ấp chúng trong một thời gian khá dài.
Nhà cổ sinh vật học Matt Lamanna từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie (CMNH) cho biết: "Đây là hóa thạch cực kỳ quý giá, bởi nó lưu giữ được hành vi của khủng long và cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin trong quá trình nghiên cứu tập tính của khủng long". Mặc dù đây không phải lần đầu tiên tìm thấy hóa thạch khủng long Oviraptor hay phôi thai của chúng. Nhưng đây là lần đầu tiên họ phát hiện một con khủng long trưởng thành đang nằm ấp trứng và trứng vẫn chứa phôi thai.
Từ mẫu hóa thạch này có thể thấy loài khủng long Oviraptor là những bậc cha mẹ tương đối chu đáo, chúng sẽ ấp trứng của mình cho đến khi chúng nở, và sau đó chăm sóc những con non ít nhất một thời gian ngắn sau đó, vài tuần hoặc có thể vài tháng. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói chắc chắn liệu nhiệm vụ này cụ thể thuộc về chim trống hay chim mái - trong nhiều loài chim hiện đại, chim trống đảm nhận phần lớn nhiệm vụ chăm sóc và kiếm thức ăn cho chim mái trong quá trình ấp trứng.
Từ những năm 1980, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được rất nhiều tổ khủng long chứa trứng hóa thạch. Một số thậm chí còn được tìm thấy với bộ xương của cả con trống và mái đang nằm trên đỉnh tổ với những quả trứng có thể có màu xanh lam.
Tuy nhiên, việc suy luận hành vi từ những hóa thạch này lại tồn tại rất nhiều vấn đề mâu thuẫn. Bởi những hóa thạch này luôn tồn tại hai khả năng, có thể đúng là con chống và con mái đang ấp trứng của chúng, cũng có thể là những con khủng long Oviraptor này đã bỏ mạng khi đang trong quá trình sinh nở hoặc cũng có thể là chết trong quá trình canh giữ trứng. Điều này khá giống với tập tính của loài cá sấu hiện đại. Bởi vậy tại thời điểm đó, không thể khẳng định rằng khủng long Oviraptor đã ấp trứng của chúng.
Nhưng với mẫu vật mới được phát hiện từ hệ tầng Nanxiong tại Cám Châu, Trung Quốc, có thể nhận định được rằng nó không giống bất cứ thứ gì mà các nhà khoa học đã tìm thấy trước đây. Mối quan hệ giữa khủng long bố mẹ và phôi thai chưa bao giờ gần gũi hơn thế này. Trong số những quả trứng hóa thạch này, có ít nhất bảy quả trứng được phát hiện vật chất phôi thai đã lộ ra ngoài, bao gồm cả xương đã hóa cứng với những hình dạng có thể nhận dạng được.
Một trong những quả trứng này thực sự có thể chứa một bộ xương hoàn chỉnh, với đốt sống, xương sườn, xương đùi, cả xương ức và xương chày nằm ở tư thế cuộn tròn.
Phân tích đồng vị oxy của những phôi thai này, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ ấp ước tính phù hợp với nhiệt độ cơ thể của khủng long bố mẹ, ở khoảng từ 30 đến 38 độ C.
Lamanna giải thích: "Trong mẫu vật mới này, những con non gần như đã sẵn sàng để nở, điều này cho chúng tôi biết rằng loài Oviraptor này đã chăm sóc tổ của nó trong một thời gian dài".
Oviraptor là một chi khủng long theropoda (khủng long chân thú) ăn thịt, cỡ nhỏ, có lông vũ sống ở Mông Cổ vào cuối kỷ Creta cách đây 75 triệu năm. Loài này được nhà cổ sinh vật học Roy Chapman Andrews phát hiện đầu tiên và được Henry Fairfield Osborn miêu tả năm 1924. Tên chi trong tiếng Latin nghĩa là "kẻ trộm trứng", bởi hóa thạch đầu tiên của loài này được phát hiện bên cạnh một ổ trứng của loài Protoceratops.
Tuy nhiên, điều thú vị là không phải tất cả các phôi thai đều ở các giai đoạn phát triển giống nhau. Điều này cho thấy rằng những quả trứng sẽ nở vào những thời điểm khác nhau - một đặc điểm được cho là chỉ xuất hiện ở một số loài chim.
Mặc dù khủng long Oviraptor thường được coi là loài trung gian trong quá trình tiến hóa từ khủng long sang chim, nhưng có vẻ như những con non của loài này có thể hoạt động độc lập ngay sau khi nở một thời gian ngắn.
Ngoài ra, mẫu hóa thạch mới này còn cho thấy loài khủng long Oviraptor còn sở hữu những đặc điểm tương tự như các loài chim hiện đại. Ví dụ, hóa thạch này cho thấy chim trống cũng có thể tham gia vào quá trình ấp trứng, tương tự như loài chim đà điểu, con trống và mái sẽ thay phiên nhau ấp trứng của chúng.
Nhà cổ sinh vật học Xing Xu từ Viện Cổ sinh vật học và Cổ sinh vật có xương sống ở Bắc Kinh cho biết: "Thật phi thường khi nghĩ rằng có bao nhiêu thông tin sinh học được thu thập chỉ trong một hóa thạch duy nhất này".
Nguồn: Genk.vn