1. Bệnh mù màu là gì?
Võng mạc trong mắt của chúng ta chịu trách nhiệm phát hiện màu sắc. Võng mạc được tạo thành từ hai tế bào cảm thụ ánh sáng được gọi là tế bào hình que và tế bào hình nón. Trong khi các tế bào hình que có nhiệm vụ giúp chúng ta nhìn được mọi thứ vào ban đêm nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy sắc thái xám, đen hoặc trắng; các tế bào hình nón giúp chúng ta nhìn thấy màu sắc của sự vật rõ ràng và chi tiết hơn.
Người bị mù màu vẫn nhìn thấy mọi vật nhưng gặp khó khăn trong việc phân biệt màu sắc. (Ảnh: Internet)
Có ba loại tế bào hình nón, mỗi loại tiếp nhận các màu sắc khác nhau từ các tia sáng đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Bộ não của chúng ta tiếp nhận thông tin từ các tế bào hình nón này để xác định nhận thức về màu sắc.
Mù màu xảy ra khi một hoặc nhiều tế bào hình nón không hoạt động hoặc tiếp nhận màu khác với bình thường. Khi một hoặc tất cả các tế bào hình nón màu không hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng mù màu nhẹ hoặc nặng.
Mù màu cũng khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng. Mù màu nặng xảy ra khi cả ba tế bào hình nón không hoạt động. Mù màu nhẹ xảy ra khi một tế bào hình nón không hoạt động bình thường.
Một số người mù màu nhẹ có thể nhìn thấy màu sắc bình thường trong điều kiện ánh sáng tốt nhưng gặp khó khăn trong điều kiện ánh sáng mờ. Những người mù màu khác không thể phân biệt được một số màu nhất định trong bất kỳ điều kiện ánh sáng nào.
Người mắc bệnh mù màu nghiêm trọng nhất là khi nhìn mọi thứ đều có màu xám, tuy nhiên dạng mù màu này rất hiếm.
Bệnh mù màu thường ảnh hưởng đến cả hai mắt với mức độ như nhau trong suốt cuộc đời người mắc bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh mù màu
Mặc dù còn có một số nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh mù màu nhưng nguyên nhân chính của căn bệnh này là do di truyền. Bệnh mù màu do gen lặn liên kết X có thể di truyền từ bố mẹ sang con trên nhiễm sắc thể X. Do đó, theo thống kê, bệnh mù màu có nhiều khả năng ảnh hưởng đến nam giới hơn.
3. Các dạng bệnh mù màu
Mỗi dạng bệnh mù màu có ảnh hưởng khác nhau đến việc tiếp nhận màu sắc của người bệnh.
Bệnh mù màu được chia làm nhiều dạng. (Ảnh: Internet)
3.1. Mù màu đỏ-xanh lá
Mù màu đỏ-xanh lá là dạng bệnh mù màu phổ biến nhất. Loại mù màu này gây khó khăn cho việc phân biệt sắc thái đỏ và xanh lá. Mù màu đỏ-xanh lá được phân chia thành 4 kiểu mù màu:
- Mù màu xanh lá nhẹ (Deuteranomaly): xảy ra khi các tế bào hình nón M (tế bào hình nón có bước sóng trung bình) bị rối loạn chức năng khiến người bệnh nhìn màu xanh lá trông đỏ hơn.
- Mù màu đỏ nhẹ (Protanomaly): xảy ra khi các tế bào hình nón L (tế bào hình nón có bước sóng dài) bị rối loạn chức năng khiến người bệnh nhìn màu đỏ trông giống xanh lá hơn.
- Mù màu đỏ hoàn toàn (Protanopia): xảy ra khi tế bào hình nón L bị mất hoàn toàn, vì vậy người bệnh không nhận thức được ánh sáng đỏ.
- Mù xanh lá hoàn toàn (Deuteranopia): xảy ra khi tế bào hình nón M bị mất hoàn toàn, vì vậy người bệnh không nhận thức được ánh sáng xanh lá.
3.2. Mù màu vàng-xanh dương
Đây là dạng mù màu ít phổ biến hơn. Dạng bệnh này có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới, tuy nhiên tỷ lệ người mắc bệnh thấp. Trong 10.000 người trên toàn thế giới thì mới có 1 người mắc mù màu vàng-xanh dương. Tình trạng này gây khó khăn cho người bệnh trong việc phân biệt các màu xanh dương và xanh lá, vàng và đỏ, xanh đậm và đen.
Có 2 kiểu mù màu vàng-xanh dương:
- Mù xanh dương nhẹ (Tritanomaly) khiến người bệnh khó phân biệt giữa màu xanh dương và xanh lá cây, và giữa màu vàng và màu đỏ
- Mù xanh dương hoàn toàn (Tritanopia) khiến người bệnh không phân biệt được giữa xanh dương và xanh lá, tím và đỏ, vàng và hồng. Kiểu bệnh cũng làm cho người bệnh nhìn màu sắc trông kém tươi sáng hơn.
Mù màu đỏ-xanh dương và vàng-xanh dương làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức màu sắc nhưng không ảnh hưởng đến thị lực của người mắc bệnh.
3.3. Mù đơn sắc/Mù màu hoàn toàn (Achromatopsia)
Dạng mù màu này rất hiếm nhưng mức độ vô cùng nghiêm trọng khiến người bệnh không thể nhìn thấy bất kỳ sắc thái màu nào. Những người mắc bệnh mù màu này còn có thể mắc thêm các vấn đề về thị lực như tăng độ nhạy sáng (sợ ánh sáng), cử động mắt không tự chủ (rung giật nhãn cầu) và cận thị.
4. Người mù màu nhìn thấy gì?
Vậy người mù màu nhìn thấy gì? Những gì người mù màu nhìn thấy khác nhau tùy thuộc vào dạng và mức độ bệnh mù màu mắc phải. Những người bị mù màu đỏ-xanh lá có khả năng phân biệt màu tốt hơn những người bị mù màu vàng-xanh dương hoặc mù màu hoàn toàn.
- Thị giác bình thường vs. Protanopia
Những người mắc chứng protanopia bị mù màu đỏ và nhìn thấy nhiều màu xanh lá cây hơn màu đỏ. Họ khó phân biệt các màu liên quan đến màu đỏ.
- Thị giác bình thường vs. Deuteranopia
Những người bị bệnh Deuteranopia nhìn thấy màu đỏ nhiều hơn màu xanh lá cây. Họ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa các màu liên quan đến xanh lá cây.
- Thị giác bình thường vs. Mù màu vàng-xanh dương
Những người bị tritanopia bị mù màu xanh dương. Họ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa các màu liên quan đến xanh dương.
- Thị giác bình thường vs. Mù màu hoàn toàn
Những người bị mù màu hoàn toàn không có khả năng phân biệt các màu sắc khác nhau. Mọi vật họ nhìn thấy chỉ có hai màu đen và trắng.
5. Ảnh hưởng của bệnh mù màu như thế nào?
Mặc dù người mắc bệnh mù màu vẫn nhìn thấy mọi vật xung quanh nhưng chứng bệnh này cũng mang đến những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống và công việc của người mắc bệnh.
Mù màu khiến người bệnh lựa chọn màu sắc quần áo không phù hợp, gặp khó khăn với việc phân biệt màu sắc đèn giao thông và gặp trở ngại trong các công việc liên quan đến thiết kế, đồ họa,...
6. Cách điều trị bệnh mù màu
Tính đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra cách điều trị bệnh mù màu. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của các loại kính dành riêng cho người mù màu như kính lọc và kính tiếp xúc nhuộm màu, người mắc bệnh có thể cải thiện khả năng phân biệt màu sắc của mình.
7. Làm thế nào để hạn chế diễn tiến bệnh mù màu?
Dù chưa có phương pháp điều trị bệnh mù màu nhưng người bệnh có thể duy trì cuộc sống bình thường bằng cách thay đổi một số thói quen hằng ngày như:
- Ghi nhớ các hoạt động hằng ngày: Các hoạt động như lái xe có thể trở nên khó khăn đặc biệt là khi đến vị trí đèn giao thông. Người bệnh có thể ghi nhớ vị trí từng màu đèn để biết trước được cần làm gì khi màu sắc thay đổi vị trí.
- Thay đổi ánh sáng tại nhà hoặc văn phòng: Người bị mù màu không thể nhìn thấy màu sắc trong bóng tối, do đó, làm việc trong nhà tối hoặc thiếu ánh sáng sẽ khiến người bệnh khó nhìn hơn khi bị mù màu. Sử dụng bóng đèn ban ngày để làm sáng nhà hoặc văn phòng có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng của mình.
- Dán nhãn quần áo: Người mắc bệnh mù màu có thể nhờ người thân có khả năng phân biệt màu sắc bình thường dán tên màu lên quần áo.
- Sử dụng bốn giác quan khác: Mỗi người đều có năm giác quan và thị giác chỉ là một trong số đó. Việc nấu ăn có thể sẽ dễ dàng hơn nếu người bị mù màu sử dụng bốn giác quan khứu giác, xúc giác, vị giác và thính giác. Ngoài ra, người bệnh cũng hoàn toàn có thể chọn trái cây tươi từ cửa hàng tạp hóa bằng khứu giác và xúc giác…
Hy vọng sau khi đọc bài viết này bạn đã biết thêm những kiến thức cần thiết về bệnh mù màu và giải đáp được thắc mắc người mù màu nhìn thấy gì. Mù màu tuy chưa thể chữa trị nhưng người mắc bệnh hoàn toàn có thể cải thiện được tình trạng của bản thân bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày.
Nguồn tham khảo: Healthline, VerywellHealth, enchroma
Nguồn: Genk