Hứa hẹn đủ đường, cuối cùng Google vẫn bán dữ liệu cá nhân của người dùng

Người Đưa Tin9 tháng 5, 2021 • 5 min read • 

"Google hứa hẹn với hàng trăm triệu người dùng của họ rằng sẽ không bao giờ bán bất kỳ thông tin cá nhân nào cho các bên thứ ba, và người dùng sẽ được quyết định cách mà thông tin của họ được sử dụng. Những hứa hẹn đó là giả dối" - đơn kiện nêu rõ, kèm trích dẫn từ lời nói của CEO Google là Sundar Pichai trên tờ New York Times năm 2019. "Trên thực tế, Google giám sát mọi đường đi nước bước trong thế giới số của người tiêu dùng, sau đó kiếm hàng tỷ đô-la bằng cách bán thông tin cá nhân nhạy cảm của họ". Đơn kiện tiếp tục trích dẫn các điều khoản dịch vụ của Google với nội dung "Chúng tôi không bán thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ ai".

Cũng theo đơn kiện được gửi lên Toà án Quận San Jose bởi ba người dùng Google hôm thứ năm vừa qua, hành vi cố ý bán dữ liệu xảy ra "liên tục và lén lút" thông qua hệ thống "đấu thầu thời gian thực" để đăng ký vị trí quảng cáo số của gã khổng lồ tìm kiếm. Nếu được toà chấp thuận, vụ kiện này sẽ được xếp vào loại vụ kiện tập thể.

Nếu như các nhà quảng cáo sử dụng dữ liệu để đặt các quảng cáo nhắm mục tiêu ngay trước mắt những người có tiềm năng chú ý đến nó nhất, các công ty khác cũng "bòn rút" và lưu trữ dữ liệu bidstream của người dùng Google - đơn kiện khẳng định. "Nhiều người tham gia không ra giá và chỉ tham gia để tiến hành theo dõi và thu thập thêm nhiều điểm dữ liệu chi tiết về hàng triệu người tiêu dùng của Google"

Trong một email ngắn gọn được đưa ra hôm thứ năm, Google đã phản pháo rằng quyền riêng tư và minh bạch là cốt lõi của dịch vụ quảng cáo của hãng. "Chúng tôi không bao giờ bán thông tin cá nhân của mọi người và có những chính sách nghiêm ngặt được đặt ra để ngăn cấm các quảng cáo cá nhân hoá dựa trên những danh mục nhạy cảm" - người phát ngôn Jose Castaneda nói.

Đơn kiện cáo buộc hành vi lợi dụng dữ liệu người dùng của Google đã vi phạm luật California và luật liên bang.

Các nguyên đơn còn cung cấp thêm hai bức thư về những hành vi liên quan dữ liệu của Google, vốn đã được gửi lên Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) vào năm ngoái và gửi cho CEO Google, Sunda Pichai, vào tháng trước, với chữ ký phần lớn của các thành viên đảng Dân chủ - bao gồm các nghị sỹ Zoe Lofgren, Anna Eshoo và Ro Khanna - cùng nghị sỹ đảng Cộng hoà Bill Cassidy.

"Rất ít người Mỹ nhận ra rằng các công ty đang bòn rút và lưu trữ dữ liệu bidstream đó để tạo nên một hồ sơ hoàn chỉnh về họ" - cả hai bức thư nói. "Những hồ sơ này bao gồm dữ liệu duyệt web, dữ liệu vị trí, và dữ liệu khác về họ, mà sau đó sẽ được bán cho các quỹ mạo hiểm, các chiến dịch chính trị, và thậm chí là cho chính phủ dù chưa có lệnh của toà"

Google nói một đường, làm một nẻo

Dù Google nói rằng thông tin người dùng là "nặc danh" và chỉ được chia sẻ với một số ít đối tác, họ lại cho phép những người tham gia đấu giá quảng cáo ghép dữ liệu đã có từ các nguồn khác với mã định danh cung cấp bởi Google nhằm xác định người dùng riêng rẽ - kể cả những người dùng đã áp dụng các biện pháp nhằm ngăn bị theo dõi - đơn kiện khẳng định.

Đơn kiện còn chỉ ra "tiền sử vi phạm quyền riêng tư" của Google, vốn từng khiến họ rơi vào tầm ngắm của chính phủ. Năm 2010, Uỷ ban Thương mại Liên bang đã tuyên bố công ty này "sử dụng các chiến thuật mờ ám và vi phạm những hứa hẹn của chính họ về quyền riêng tư với người tiêu dùng" khi tung ra một mạng xã hội mà nay đã bị ngừng phát triển. Google sau đó đã dàn xếp với FTC. Nhưng hai năm sau, sau khi bị FTC cáo buộc vi phạm thoả thuận với hành vi lừa dối người dùng trình duyệt Safari của Apple rằng sẽ không đặt cookies theo dõi hoặc hiển thị các quảng cáo nhắm mục tiêu đến họ, Google đã phải chấp nhận trả khoản bồi thường lên đến 22,5 triệu USD.

Năm 2019, Google đồng ý trả 170 triệu USD nhằm dàn xếp cáo buộc của FTC và Tổng chưởng lý New York rằng YouTube đã thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân từ trẻ em mà chưa được sự đồng thuận của cha mẹ chúng. Năm ngoái, một toà án tối cao của Pháp đã tuyên phạt Google 50 triệu Euro vì sử dụng dữ liệu của người dùng vào quảng cáo nhắm mục tiêu mà chưa xin phép.

Các nguyên đơn - những cư dân California tên Meaghan Delahunty và John Kevranian, và cư dân Texas tên Meghan Cornelius - khẳng định một phần lớn doanh thu quảng cáo năm 2020 của Google (147 tỷ USD) đến từ việc thu thập và bán thông tin người dùng. Họ cáo buộc Google vi phạm các điều luật về quyền riêng tư, hợp đồng, và làm giàu phi pháp, và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bản thân cùng hàng triệu người Mỹ khác mà họ muốn kêu gọi tham gia vào vụ kiện tập thể này.

Nguồn: Genk.vn - Tham khảo: MercuryNews

#Tin Cùng Chuyên Mục
#Có Thể Bạn Chưa Biết