Người đàn ông giàu nhất Elon Musk hiện đang nắm giữ hai công ty công nghệ hàng đầu là hãng xe điện Tesla và công ty sứ mệnh không gian SpaceX. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của cổ phiếu và tiền bạc, ít ai biết tới áp lực mà vị CEO này đang phải đối mặt.
Trong một email gửi tới nhân viên SpaceX mới đây, Elon Musk đã đề cập đến 'cuộc khủng hoảng' sản xuất động cơ Starship Raptor và nói rằng công ty có thể đối mặt với 'nguy cơ phá sản thực sự' nếu không thể đạt được tần suất bay của Starship là hai tuần một lần vào năm sau.
Musk cũng tiết lộ rằng ông dự định dành một ngày cuối tuần hiếm hoi vào Lễ Tạ ơn, nhưng cuối cùng đã phải hy sinh quãng thời gian nghỉ ngơi này và dành toàn bộ thời gian cho dự án động cơ Raptor. Qua đó, ông cũng hy vọng rằng các nhân viên của SpaceX có thể túc trực tại nhà máy để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt và không nên nghỉ nếu nó không phải là một tình huống quá đặc biệt.
Musk nói rằng nếu không giải quyết được độ tin cậy của động cơ Raptor, thì phi thuyền Starship sẽ không thể bay và dự án vệ tinh Starlink thế hệ thứ hai sẽ không thể đi vào quỹ đạo để phục vụ khách hàng. Người đàn ông giàu nhất thế giới đã tiết lộ qua thư rằng tình hình tài chính hiện tại của các dịch vụ vệ tinh Starlink rất mong manh, và công ty thực sự đang chấp nhận thua lỗ trên từng đơn hàng.
SpaceX hiện cần dựa vào Starship để vận chuyển phiên bản V2 của vệ tinh Starlink do phi thuyền này có tải trọng lớn và không cần nhiều lần phóng như Falcon 9. Theo kỳ vọng của Musk, ông hy vọng sẽ đạt được mục tiêu thực hiện các chuyến bay thử nghiệm Starship hai tuần một lần vào năm tới. Theo các thỏa thuận, nguyên mẫu SN20 sẽ trải qua một cuộc kiểm tra quỹ đạo vào đầu năm sau.
Trước đó chỉ vài ngày, khi giao lưu với cư dân mạng trên nền tảng mạng xã hội, Musk đã tiết lộ rằng định giá của SpaceX đã lên tới 100 tỷ USD.
Hình ảnh về động cơ Raptor trên Starship Superheavy Booster.
SpaceX hiện đang phát triển tên lửa tiếp theo của mình, Starship, ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ. Phi thuyền Starship là phương tiện mà Musk dự định sẽ đưa nhân loại lên sao Hỏa và trước tiên, nó sẽ đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng với tư cách là tàu đổ bộ mặt trăng cho chương trình Artemis. Nhưng trước khi Starship có thể chở con người đến bất cứ đâu, SpaceX sẽ cần giải quyết các vấn đề về sản xuất động cơ của mình.
Công ty đang gặp khó khăn trong việc sản xuất động cơ Raptor - động cơ Methane đốt cháy hoàn toàn theo giai đoạn - cho Starship. Cách đây không lâu, Will Heltsley, cựu phó chủ tịch cấp cao của SpaceX về động cơ đẩy đã rời khỏi nhóm sản xuất Raptor do không có tiến triển. Ngoài ra, cựu phó chủ tịch phụ trách sứ mệnh và vận hành phóng của SpaceX là Lee Rosen và giám đốc cấp cao phụ trách hoạt động phóng và vận hành Rick Lim đã rời công ty. Việc sản xuất động cơ Raptor hiện đang được dẫn dắt bởi Jacob Mackenzie, người đã gắn bó với công ty hơn sáu năm.
Starship được đánh giá là mảnh ghép rất cần thiết cho tương lai của SpaceX. Mặc dù Falcon 9 là phương tiện chính ở hiện tại của công ty và nó đã rất thành công, nhưng việc chuyển sang một tên lửa có thể tái sử dụng hoàn toàn sẽ cho phép SpaceX phóng nhiều trọng tải hơn với chi phí thấp hơn lên quỹ đạo.
Còn về dự án Starlink V1, Musk cũng cho biết bản thân nó "yếu kém về mặt tài chính", trong khi V2 lại mạnh mẽ hơn. Công ty cần tăng sản lượng thiết bị đầu cuối lên vài triệu đơn vị mỗi năm, điều sẽ tiêu tốn rất nhiều vốn, nhưng phải đi kèm với giả định rằng vệ tinh V2 sẽ ở trên quỹ đạo để xử lý nhu cầu băng thông. Bởi nếu không đạt được tiến triển mới, thì các thiết bị đầu cuối sẽ "vô dụng".
Tất nhiên, không ai hoàn toàn tin rằng những gì được nói trong email sẽ hoàn toàn là sự thật. Nếu Starship không thực sự bay mỗi lần sau 14 ngày vào cuối năm sau thì SpaceX có thể vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng, những gì Elon Musk muốn nói là các mốc thời gian là cần thiết để giữ cho công ty tiếp tục tiến lên trên con đường phát triển đầy tham vọng của mình mà không phải thu hẹp lại các hoạt động chưa có lãi.
Tham khảo spaceexplored
Nguồn: Genk