Dùng AI và in 3D, phát hiện 'báu vật' ẩn giấu gần 120 năm bên dưới kiệt tác của Picasso

Người Đưa Tin12 tháng 10, 2021 • 4 min read • 

Theo đó, các học giả từng biết đến 'The Lonesome Crouching Nude' khi nó xuất hiện dưới dạng một bức tranh chưa hoàn chỉnh, làm nền phía sau 4 nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng La Vie (Cuộc đời) của Picasso. Trong suốt một khoảng thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm sự tồn tại của bức họa này của danh họa người Tây Ban Nha.

Mãi đến gần đây, nhờ sử dụng tia X, nhà thần kinh học Anthony Bourached và nhà vật lý học George Cann từ Đại học London cuối cùng đã tìm được dấu vết của 'The Lonesome Crouching Nude'. Nó nằm ẩn giấu đằng sau bức tranh The Blind Man’s Meal (Tạm dịch: Bữa ăn của người đàn ông bị mù) - một tác phẩm được Picasso vẽ năm 1903 và hiện được trưng bày trong Bảo tàng Metropolitan (New York, Mỹ).

Tác phẩm 'The Lonesome Crouching Nude' sau khi được phục dựng hoàn chỉnh bằng AI, công nghệ in 3D và dữ liệu thu được việc chụp X-Quang

Tuy nhiên, để có thể tái tạo và khôi phục hoàn toàn 'The Lonesome Crouching Nude', nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng nhiều công nghệ khác nhau. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích nét vẽ của Picasso trong các tác phẩm khác của ông. Sau đó, kết hợp với những dữ liệu ít ỏi thu được từ quá trình chiếu tia X, nhóm đã ‘đào tạo’ một thuật toán AI để nó có thể mô phỏng bức tranh gốc trông như thế nào. Cuối cùng, kết hợp với công nghệ in 3D, tác phẩm 'The Lonesome Crouching Nude' đã được AI tái tạo hoàn chỉnh với đầy đủ màu sắc, nét vẽ dưới dạng vân bề mặt 3D (3D Texture).

Theo nhóm nghiên cứu, danh họa người Tây Ban Nha đã rất ‘miễn cưỡng’ vẽ đè tác phẩm The Blind Man’s Meal lên trên bức 'The Lonesome Crouching Nude'. Vào thủa mới vào nghề, Picasso rất nghèo khổ và không có đủ tiền để mua vải canvas (vải bố) – một loạt vật liệu rất đắt tiền được các họa sĩ sử dụng để vẽ tranh. Do vậy, ông đã quyết định tái sử dụng những tấm toan của mình. Đây cũng là lý do tại sao bức tranh này đã bị ẩn giấu trong suốt gần 120 năm trước khi được tìm thấy.

"Tôi hy vọng Picasso sẽ hạnh phúc khi biết ‘kho báu’ mà ông ấy cất giấu cho các thế hệ tương lai cuối cùng cũng được tiết lộ, 48 năm sau khi ông qua đời và 118 năm sau khi bức tranh được hoàn thành. Tôi cũng hy vọng rằng người phụ nữ trong bức chân dung sẽ hạnh phúc khi biết rằng cô ấy đã không bị xóa khỏi lịch sử, và vẻ đẹp của cô ấy cuối cùng đã được hé lộ trong thế kỷ 21 ", nhà vật lý học George Cann cho biết.

Tuy nhiên, việc dùng AI để phục dựng tranh Picasso cũng gây ra nhiều tranh cãi từ giới nghiên cứu tranh của họa sĩ người Tây Ban Nha. Một số chuyên gia cho rằng tác phẩm của AI không mang cái ‘hồn’ của Picasso. Gary Tinterow, một chuyên gia hàng đầu về tranh Picasso và là giám đốc của Bảo tàng Mỹ thuật Houston (Mỹ), khẳng định ông chỉ ngắm bức ảnh X quang chụp bức 'The Lonesome Crouching Nude' do nó chứa mọi dấu ấn được tạo ra bởi chính Picasso.

Trong khi đó, David G Stork, một giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Stanford ở California, người chuyên sử dụng máy tính và AI để nghiên cứu nghệ thuật, tin rằng công nghệ hiện tại đã đủ tốt "để có thể phục hồi cảm xúc và tâm trạng từ một thiên tài nghệ thuật thực sự".

Tham khảo Telegraph

Nguồn: Genk

#Tin Cùng Chuyên Mục
#Có Thể Bạn Chưa Biết