Phong trào #MeToo (chống lại nạn tấn công tình dục phụ nữ) khởi xướng từ Hàn Quốc đã lan rộng ra toàn thế giới vào những năm gần đây. Tại Trung Quốc, phong trào đã khiến Ngô Diệc Phàm - một trong những ngôi sao lớn nhất làng giải trí bị bắt giữ sau bê bối cưỡng hiếp và tấn công tình dục trẻ vị thành niên. Và giờ, phong trào ấy đang hé lộ khóc khuất đáng sợ trong văn hóa làm việc của Alibaba - tập đoàn gần như được xem là biểu tượng công nghệ tại Trung Quốc.
Gã khổng lồ ngành thương mại điện tử Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội sau vụ việc nữ nhân viên tố cáo bị lãnh đạo công ty cưỡng hiếp. Trong tờ đơn dài 8000 chữ được công bố trên website nội bộ công ty, nữ nhân viên cho biết bản thân đã bị bắt ép đi tiếp rượu, ép uống đến mức bất tỉnh bởi quản lý của mình hồi cuối tháng 7. Cô bị sàm sỡ bởi khách hàng, sau đó bị chính người quản lý tấn công tình dục sau khi đưa về phòng. Ngày 2/8, cô báo cáo sự việc lên nhân sự của công ty, nhưng không có động thái xử lý nào được thực hiện.
Ngày 9/8, ông Trương Dũng (Daniel Zhang) - CEO của Alibaba cho biết công ty đã sa thải người quản lý vì đã có "hành động thân mật" với nữ nhân viên khi cô không tỉnh táo - theo biên bản đưa ra. 2 quản lý cấp cao của công ty cũng đã từ chức, trong khi giám đốc nhân sự bị cảnh cáo vì đã không phản ứng kịp thời.
Chân dung Vương Thành Văn - nghi phạm gây ra sự việc tại Alibaba
"Tập đoàn Alibaba có chính sách không khoan nhượng đối với các hành vi tấn công tình dục. Môi trường làm việc an toàn cho nhân viên tại Alibaba được đặt lên hàng đầu" - người phát ngôn của công ty cho biết. Dẫu vậy, cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra.
Sự việc xảy ra tại Alibaba là như đổ thêm dầu vào ngọn lửa phong trào #MeToo đang rực cháy tại Trung Quốc, sau khi Ngô Diệc Phàm bị bắt giữ. Các cáo buộc họ hứng chịu đã làm dấy lên tranh cãi về nạn phân biệt giới tính tại những công ty hàng đầu của Trung Quốc, và đồng thời hé lộ một mặt trái đen tối về cái gọi là "tình dục hóa phụ nữ" trong môi trường làm việc của Alibaba.
Văn hóa độc hại tại những tập đoàn công nghệ khổng lồ
Trong các cuộc thảo luận trên Internet, nhiều người dùng đặc biệt chú ý đến đoạn mô tả của nạn nhân về câu nói đùa mà tên quản lý đã đưa ra tại buổi gặp mặt với khách hàng: "Tôi mang mỹ nữ đến với các người đây". Nó cho thấy dường như ngành công nghiệp này vẫn đang tiếp tục văn hóa "tình dục hóa" phụ nữ.
Năm 2015, cộng đồng rộ lên câu chuyện về một số công ty công nghệ Trung Quốc tuyển dụng nhân viên nữ để "tiếp thêm động lực" cho các nam lập trình viên. Một video khác cũng rất tai tiếng từ năm 2017 cho thấy các nhân viên nữ tại Tencent dùng răng để mở nắp chai bia được đặt giữa 2 chân của nhân viên nam trong buổi tiệc cuối năm. Tencent sau đó đã phải công khai xin lỗi, và cam kết sẽ siết chặt quy định liên quan đến các buổi tiệc tùng của công ty.
Văn hóa ép uống đang bị chỉ trích tại Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Thậm chí vào năm 2018, một báo cáo từ Tổ chức Giám sát Nhân Quyền đã đứng ra chỉ trích các bản quảng cáo tuyển dụng của nhóm tập đoàn công nghệ lớn - bao gồm Alibaba, Baidu và Tencent - với cam kết các ứng viên được làm việc trong môi trường có "gái đẹp". Nhóm tập đoàn sau đó cũng phải xin lỗi, và hứa sẽ kiểm duyệt ban truyền thông một cách kỹ càng hơn.
Năm 2020, Airbnb cũng phải mở một cuộc điều tra sau khi các nhân viên nữ tại Trung Quốc phản ánh với trụ sở Mỹ rằng đã bị quấy rối tình dục bởi một quản lý cấp cao với các hành xử không đứng đắn, bao gồm việc "chấm điểm" nhân viên nữ theo ngoại hình.
Điều bị công kích nhiều nhất là văn hóa uống rượu của các công ty này. Nó thường bao gồm việc các lãnh đạo, nhân viên cấp cao hoặc khách hàng bắt ép nhân viên cấp dưới phải đi tiếp rượu khi cần ký hợp đồng, hoặc đơn giản là chỉ để thể hiện sự tôn trọng với đối tác."Dù cuộc điều tra tại Alibaba có đi đến đâu, văn hóa nhậu nhẹt của Trung Quốc đã tồn tại cả chục năm nay rồi. Hy vọng những chỉ trích lần này sẽ mang lại sự thay đổi" - một người dùng viết.
Phong trào #MeToo bùng nổ
Kể từ khi phong trào #MeToo lan rộng trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ tại Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về những trải nghiệm bị quấy rối tình dục khi còn đi học hoặc tại nơi làm việc. Chính phủ Trung Quốc cũng có động thái cho phép phụ nữ trình báo khiếu nại về quấy rối tình dục dân sự, nổi bật là vụ việc một người phụ nữ thắng kiện với đồng nghiệp của mình vào đầu năm 2021.
Ngô Diệc Phàm - sao hạng A Trung Quốc bị bắt giữ vì cáo buộc cưỡng hiếp, xâm hại trẻ vị thành niên
Nhưng cùng lúc đó, các hoạt động của phong trào này hứng chịu sự kiểm duyệt khá chặt chẽ. Nhiều phụ nữ đứng ra lên tiếng phải đối mặt với sự phỉ báng của cộng đồng mạng. Như năm 2018, một phụ nữ trẻ từng học tập tại Mỹ đã đệ đơn tố cáo bị cưỡng hiếp bởi Richard Liu - CEO tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ JD.com. Ban đầu, cô bị hứng chịu sự phỉ báng dữ dội từ cộng đồng mạng, trong khi Liu một mực phủ nhận còn vụ án đi vào bế tắc vì không có đủ bằng chứng buộc tội. Dẫu vậy, vụ kiện chống lại Liu vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Trong khi có rất nhiều yếu tố tác động đến những cuộc thảo luận trên mạng, giữa bối cảnh Ngô Diệc Phàm và Alibaba hứng chịu cáo buộc nghiêm trọng, nhiều người dùng để lại bình luận ủng hộ các phụ nữ dũng cảm lên tiếng. Còn các tập đoàn công nghệ, họ khẳng định rằng đang cố gắng để cải thiện văn hóa nội bộ của công ty.
"Chúng tôi không khoan dung cho bất kỳ hình thức quấy rối nào. Chúng tôi có các kênh kết nối để nhân viên chia sẻ lo ngại của họ, và cũng không ngần ngại đưa các sự vụ nghiêm trọng ra pháp luật" - Tencent phản hồi với truyền thông về chính sách chống quấy rối tình dục của công ty.
Alibaba sẽ làm gì?
Trong bức thư ngỏ được phổ biến trước khi CEO Zhang tung ra bản thông báo của mình, khoảng 6000 nhân viên Alibaba đã yêu cầu công ty thành lập một đội chuyên xem xét các báo cáo về tấn công tình dục. Ông Zhang sau đó đã cam kết sẽ lập ra kênh dành cho nhân viên để họ cảm thấy mình có quyền được báo cáo khi bị xâm phạm, đồng thời sẽ training lại cho toàn công ty về quyền lợi của mình. Ngoài ra, CEO Alibaba cho biết sẽ "chống lại văn hóa ép uống" cực kỳ độc hại, và khẳng định các nhân viên có quyền từ chối uống nếu không muốn.
Tuy nhiên, cam kết "tạo ra môi trường an toàn cho nhân viên và không khoan nhượng với quấy rối tình dục" của ông Zhang được nhiều người đánh giá là "quá chậm trễ". Alibaba cũng không phản hồi ngay trước các câu hỏi về chính sách hiện hành của công ty.
"Tôi đã khá ngạc nhiên khi công ty này không có chính sách chống quấy rối tình dục, trong khi đó đáng ra là quy định cơ bản" - Zhang Yiyu, một chuyên gia tâm lý học cho biết. "Tôi mong rằng sự vụ này sẽ thúc đẩy nhiều công ty tạo ra chính sách rõ ràng hơn, nhằm bảo vệ nhân viên trước cạm bẫy tấn công tình dục".
Nguồn: Genk