Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì?

Người Đưa Tin30 tháng 11, 2021 • 35 min read • 

Mùa hè trước khi nhập học cho chương trình cử nhân khoa học thần kinh tại Đại học Texas, Celine Halioua tới một phòng khám ở Đức để thực tập. 17 tuổi, cô bé đã ở đó để làm việc với những bệnh nhân mắc ung thư não – căn bệnh tự nhiên do tuổi tác của họ gây ra. Trong số các bệnh nhân mà cô gặp, Halioua đặc biệt chú ý đến một ông cụ mà cô cảm thấy thân thiết nhất.

"Ông ấy có một bộ ria mép rậm rạp và một nụ cười thường trực trên môi - hình ảnh của một người cha nhân hậu", cô nói. "Tiếng Đức của tôi không tốt, tiếng Anh của ông ấy cũng vậy. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng là lòng tốt của ông ấy - mặc cho thực tế là ông ấy đã phải ở đó để thảo luận về căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của mình".

Núp bóng phía sau bác sĩ hướng dẫn, Halioua cảm thấy thật khó hiểu khi y học không thể làm gì cho bệnh nhân này. "Tôi luôn nghĩ các bác sĩ là những người có phép thuật – rằng nếu bạn nỗ lực, bạn sẽ có thể chữa được nó. Khoảnh khắc nhận ra sự bất lực khi đối mặt với bệnh nhân này khiến tôi cảm thấy con người không có tự do ý chí – chúng ta không thể làm gì để thay đổi được vận mệnh của chính bản thân mình".

Kể từ ngày đó, Celine Halioua đã hạ quyết tâm tìm cho ra một giải pháp: không phải cách chữa khỏi bệnh ung thư, mà là một cách để chấm dứt nguyên nhân gốc rễ gây ra nó - sự lão hóa.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 1.

Thấm thoát 10 năm đã trôi qua, 27 tuổi, Halioua hiện đang là giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Loyal, một công ty khởi nghiệp đáng chú ý trong lĩnh vực chống lão hóa bằng công nghệ sinh học. Loyal vừa huy động được thêm 27 triệu USD, bằng với số tuổi của Halioua, trong một vòng gọi vốn Series A vào tháng trước.

Với những sự đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực chống lão hóa này, chúng ta không nên nhầm lẫn chúng với một ốc đảo văn hóa kỳ quặc được gọi là "chủ nghĩa kéo dài sự sống", trong đó có những người đang tìm mọi cách tu tập để có được cuộc sống trường thọ nhưng khắc khổ và không đáng để sống.

Thay vào đó, khoa học chống lão hóa hoạt động bằng cách tác động đến bộ gen của con người, hack vào dòng máu, vào tận bên trong những tế bào và tái tạo sự khỏe mạnh cho từng viên gạch xây dựng lên cơ thể chúng ta. Nó cũng không phải một viên thuốc tiên mà các bậc đế vương trong quá khứ từng muốn tìm kiếm.

Công nghệ sinh học hiện nay đang giải quyết bài toán lão hóa bằng y học hiện đại, với các loại thuốc hoặc phác đồ phải trải qua đủ các bước thử nghiệm lâm sàng khắt khe và được phê duyệt bởi những cơ quan y tế hàng đầu như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA).

Lĩnh vực này là minh chứng cho thấy khoa học có thể giúp chúng ta giải quyết bài toán khó khăn nhất trong cuộc đời mình: chống lại những dấu tích mà thời gian để lại trên cơ thể cũng như trí óc của chúng ta. Con người sau đó sẽ từng bước đẩy lùi được cái chết, gia tăng tuổi thọ và cả tuổi trẻ của giống loài.

Những người như Celine Halioua đang mơ mộng đến một thế giới hậu lão hóa, nơi gánh nặng tài chính, y tế, xã hội và cả tình cảm liên quan đến sự già cỗi của chúng ta sẽ biến mất. Và đó không phải là một mơ mộng quá hão huyền của một doanh nhân, nhà khoa học trẻ như Halioua.

Ngay cả các ông lớn công nghệ như Jeff Bezos, Sergey Brin và Larry Page cũng đang tham gia vào cuộc đua này. Họ đang hỗ trợ cho hàng trăm nhà khoa học tại hơn 30 start-up công nghệ sinh học - những người mặc áo blouse trắng dùng pipet để khơi thông dòng chảy tới tuổi trẻ vĩnh hằng.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 2.

Với khoa học của thế kỷ 21, thuốc kéo dài tuổi thọ chắc chắn không còn là một câu chuyện quá viển vông.

Nhưng liệu một liệu pháp trẻ hóa có thực sự mở ra một tương lai màu hồng? Hay nó sẽ đem đến bóng tối làm gia tăng bất công, đảo lộn nhiều giá trị trong một xã hội được thiết kế cho những người nghỉ hưu ở tuổi 60 và sống không quá 100 tuổi? Liệu xã hội loài người có sụp đổ nếu chúng ta sống tới năm 200 tuổi hoặc lâu hơn nữa như các vị thần?

Hóa ra, đó cũng chính là những câu hỏi đang cản trở sự phát triển và phổ biến hóa của lĩnh vực dược phẩm non trẻ này. Vào một ngày nào đó không xa, có thể là 10 năm nữa, con người sẽ có được loại thuốc chống lão hóa đầu tiên.

Trước thời điểm đó, các nhà triết học, kinh tế và đạo đức khoa học sẽ phải trả lời được những câu hỏi để quyết định xem các viên thuốc chống lão hóa có thể được bán đại trà như thuốc kháng sinh ngày nay hay không?

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 3.

Mọi sinh vật bao gồm cả con người chúng ta đều được cấu tạo lên từ tế bào. Tế bào vì vậy được ví như những viên gạch tạo nên sự sống. Năm 1961, nhà giải phẫu học người Mỹ Leonard Hayflick nhận thấy trung bình, một tế bào của con người chỉ có thể phân chia 50 lần trước khi chuyển sang trạng thái được gọi là lão hóa.

Có nhiều nguyên nhân gây ra lão hóa ở cấp độ tế bào. Chúng bao gồm sự tổn thương oxy hóa, tích tụ các lỗi nhỏ trong DNA và sự rút ngắn của các telomere hay đoạn cuối của nhiễm sắc thể. Nhưng về cơ bản, các thành phần khác nhau của tế bào đều trải qua quá trình hao mòn trong suốt thời gian tồn tại của chúng.

Tại một thời điểm, những thiệt hại này tích tụ đến mức tế bào không còn hoạt động bình thường như trước nữa. Nó đánh dấu một cột mốc trong quá trình lão hóa của tế bào biến chúng thành các tế bào lão hóa, hay "senescent cell".

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 4.

Các nhà khoa học quan sát thấy khi một tế bào bị lão hóa, chúng không chết ngay mà thường tìm đến nhau để sống co cụm. Tế bào senescent không làm việc, không đóng góp chức năng nào cho sự sống của bạn, thay vào đó, chúng lại thải ra các hóa chất độc hại, gây viêm, làm hỏng hoặc thậm chí biến các tế bào khỏe mạnh bên cạnh thành tế bào lão hóa.

Chính hiệu ứng này khiến senescent cell còn được gọi là tế bào zombie và nó đóng một vai trò quan trọng để định nghĩa sự lão hóa của con người xuất phát từ đâu. Các nhà khoa học hiện có thể giải thích các dấu hiệu lão hóa của con người, từ những nếp nhăn, đồi mồi trên da cho tới sự thoái hóa của tế bào thần kinh gây ra bệnh Alzheimer, Parkinson bằng nguyên lý tế bào senescent.

Chống lại lão hóa bởi vậy chính là chống lại các tế bào này. Đó chính xác là hướng đi của các công ty công nghệ sinh học hoạt động trong lĩnh vực này. Lấy ví dụ như Unity Biotechnology, một công ty có trụ sở tại San Francisco đang phát triển loại thuốc chống lão hóa độc quyền của họ được gọi là senolytics.

Những phân tử thuốc này hoạt động bằng cách tiêu diệt các tế bào lão hóa trong cơ thể chúng ta, kích hoạt quá trình chết tự nhiên của chúng. "Thuốc senolytics sẽ lập trình lại mô. Nó mở ra một khả năng cho thấy chúng ta có thể khôi phục lại trạng thái quá khứ của một mô hoặc thậm chí cả một cơ thể", Anrivan Ghosh, Giám đốc điều hành của Unity, cho biết. "Đây là một cách hoàn toàn mới để định nghĩa một căn bệnh là gì và sau đó nhắm mục tiêu vào nó".

Khôi phục lại trạng thái của quá khứ chính xác là quay ngược lại bánh xe thời gian, giúp chúng ta đảo ngược lại quá trình lão hóa của tế bào. Nó sẽ loại bỏ các cụm tế bào senescent trong cơ thể, cho phép các tế bào trẻ hơn sinh ra và thay thế chúng.

Các loại thuốc senolytics vì vậy có thể lấy lại thanh xuân cho chúng ta, cũng như chữa khỏi một căn bệnh từ gốc rễ thay vì chỉ khắc phục triệu chứng của nó. Nhưng trước khi đạt được tới cái đích vĩ đại đó, Unity cần chứng minh được họ có thể thực hiện được những bước đi nhỏ bé của mình.

Trong một thử nghiệm lâm sàng với 12 bệnh nhân bị suy giảm thị lực nghiêm trọng – một hệ quả mà họ phải chịu đựng từ quá trình lão hóa giác mạc, thuốc senolytics của Unity đã giúp những bệnh nhân này trẻ hóa các tế bào võng mạc của mình và lấy lại thị lực.

Từ những bệnh nhân không thể nhìn thấy gì và sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, họ bây giờ đã có thể sinh hoạt trở lại bình thường và chăm sóc bản thân mình khi đã có thể nhìn thấy mọi thứ. Phần lớn các bệnh nhân này đều cải thiện được thị lực của mình, Ghosh cho biết.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 5.

Nếu bạn chưa biết thì Unity chính là công ty đã nhận được hàng triệu USD trong vòng đầu tư hạt giống từ nhà sáng lập Paypal Peter Thiel và nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Những người như Thiel và Bezos không quan tâm đến việc tài trợ cho một loại thuốc đem lại lợi nhuận đơn thuần.

"Họ bị thu hút bởi những ý tưởng thay đổi tận gốc suy nghĩ của chúng ta về bệnh tật, thay đổi cách mà chúng ta sống", Ghosh nói. Trên toàn thế giới, hiện có hơn 30 công ty công nghệ sinh học đang phát triển các loại thuốc chống lão hóa giống như của Unity, tất cả đều nhận được sự tài trợ từ những cá nhân và tập đoàn giàu có nhất Trái Đất.

Ngoài Peter Thiel và Jeff Bezos, chúng ta còn thấy Larry Ellison của Oracle tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Những người sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, cũng đã giúp thành lập Calico, một công ty con của Alphabet vận hành một nguồn tài chính hàng trăm triệu USD cho nhiệm vụ chống lão hóa.

Ngoài khoản đầu tư vào Unity, Jeff Bezos cũng đã rải tiền của mình vào Altos Labs, một phòng thí nghiệm được thành lập bởi tỷ phú người Nga Yuri Milner, đặt cơ sở nghiên cứu của họ tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh để nhắm tới cùng một mục tiêu.

Dmitry Itskov, một tỷ phú người Nga khác cũng đã đầu tư hàng triệu USD vào một dự án được gọi là "Sáng kiến 2045", quy tụ hơn 30 nhà khoa học nước này để thành lập một trung tâm nghiên cứu sự bất tử.

Paul Root Wolpe, giám đốc trung tâm đạo đức tại Đại học Emory, Hoa Kỳ, cho biết không phải ngẫu nhiên mà các tỷ phú lại là những nhà đầu tư sớm cho một liều thuốc kéo dài tuổi thọ.

"Đây là một trong những lĩnh vực khoa học, trí tuệ tuyệt vời cần chinh phục. Những người này đã chinh phục thế giới theo nhiều cách mới mẻ. Họ là nhóm đầu tiên chạm đến mạng sống của hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ người. Họ có quá nhiều tiền mặt, và họ không biết phải làm gì với nó".

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 6.

Ngược lại, thị trường thuốc chống lão hóa cũng sẽ là một thị trường mới vô cùng tiềm năng khiến nhiều người nghĩ rằng họ có thể kiếm thêm được từ đó.

Ước tính giá trị của cả ngành công nghiệp thuốc chống lão hóa sẽ tăng đến mức 610 tỷ USD vào năm 2025. Nó sẽ vượt qua cả những viên thuốc ung thư vô cùng đắt đỏ, đem về siêu lợi nhuận cho các công y dược phẩm hiện nay. Đơn giản là bởi bạn không cần phải mắc ung thư để sử dụng thuốc chống lão hóa. Đây là một loại thuốc mà mọi người đều muốn uống.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 7.

Mới được thành lập vào năm 2020, Loyal, công ty công nghệ sinh học của Halioua dường như cũng trẻ như chính độ tuổi của cô ấy. Nhưng điều đó không khiến tham vọng của Halioua trở nên nhỏ bé. "Tôi tự tin chúng tôi sẽ có được một loại thuốc chống lão hóa vào thời điểm mà tôi cần dùng tới nó trong cuộc đời mình", cô nói.

Theo Halioua, thời điểm định nghĩa tuổi già để sử dụng viên thuốc này rất đơn giản. Bạn không cần nhìn xuống tới mức độ của từng tế bào, già là khi "cơ thể vật lý xuống cấp đến nỗi nó cản trở công việc mà bạn muốn làm", Halioua nói.

Vì vậy có thể là vào năm 2071, nếu bạn muốn leo núi nhưng nhận ra khớp gối của mình đang không cho phép bạn làm điều đó nữa, hãy tới bệnh viện và yêu cầu bác sĩ kê một đơn thuốc chống lão hóa. Để biến tương lai đó thành hiện thực, Loyal đang đi theo một cách tiếp cận tiền lâm sàng thú vị.

Họ không tập trung ngay vào các thử nghiệm lâm sàng trên người, mà muốn mở ra một thị trường tiên phong khác. Ý tưởng của Loyal là hãy bán những viên thuốc kéo dài tuổi thọ của động vật nuôi trước khi nói đến tuổi thọ của chúng ta.

Thị trường cụ thể mà Loyal đang nhắm tới là loài chó, những con thú cưng của loài người, chia sẻ cùng môi trường sống, đặc tính lão hóa và có được tiềm lực tài chính từ chủ nhân của chúng tương đương với con người chúng ta.

Halioua giải thích chó phát triển các bệnh liên quan đến tuổi tác giống như chúng ta ở cùng một thời điểm trong vòng đời của chúng. Lông chó bị mất sắc tố và chuyển sang màu xám giống với tóc chúng ta khi bạc. Chúng sống chung nhà để chia sẻ các yếu tố môi trường tương tự từ thức ăn cho tới khói thuốc.

"Các yếu tố môi trường ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lão hóa", Halioua nói. Chó cũng có vòng đời ngắn hơn đáng kể so với con người, do đó, bạn có thể dùng chúng để tăng tốc các thử nghiệm tiền lâm sàng. "Thực hiện một liệu pháp chống lão hóa cho một con chó 2-3 tuổi, và bạn sẽ biết kết quả khi chúng lên 6 hoặc 7, thậm chí sớm hơn thế", cô giải thích.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 8.

Với kinh nghiệm của mình là một nhà khoa học thần kinh cũng như một người nuôi chó, Halioua để ý những giống chó càng lớn thì tuổi thọ của chúng càng ngắn. "Một con Great Dane chỉ có thể sống trung bình từ 7 đến 9 năm, trong khi một con Chihuahua có thể sống từ 16 đến 18 năm.

Điều đó thật kỳ lạ. Bạn thường không thấy sự khác biệt lên tới hai lần về tuổi thọ trong cùng một loài - bạn không thấy điều đó ở những người có chiều cao khác nhau", Halioua giải thích. Các nhà khoa học tại Loyal đã xác định điều này là do "một hiệu ứng toàn thân đối kháng: thứ khiến chó lớn nhanh có tác động tiêu cực đến tuổi thọ của chúng".

Để ngăn chặn điều này, Loyal đã phát triển một loại thuốc nhắm vào cơ chế tế bào và chuyển hóa glucose ở những giống chó lớn hoặc chó khổng lồ. Loại thuốc thứ hai mà họ đang nghiên cứu nhắm vào quá trình trao đổi chất ở bất kỳ giống chó nào, cũng với ý tưởng tương tự, làm chậm quá trình lớn của chó để xem chúng có đáp ứng và kéo dài tuổi thọ được hay không?

Trong khi Halioua cho biết các thử nghiệm tiền lâm sàng đầu tiên của họ mới được lên kế hoạch và chỉ bắt đầu vào năm sau, một trong hai cách tiếp cận này đã được chứng minh là có hiệu quả trên giun tròn và chuột.

Khi các nhà khoa học can thiệp vào quá trình trao đổi chất của giun tròn C. elegans, họ nhận thấy những con giun này đã sống lâu hơn tuổi thọ trung bình của chúng. Bằng cách hạn chế lượng calo hấp thụ của giun C. elegans, các tế bào của chúng đã chuyển sang một chế độ "tự vệ", trong đó quá trình lão hóa xảy ra với tốc độ chậm lại.

Trên chuột, cả liệu pháp trao đổi chất và loại thuốc chống lão hóa tế bào senolytics như của Unity đã tỏ ra có tác dụng, nhà lão hóa sinh học người Anh Andrew Steele, tác giả của cuốn sách "Ageless: The New Science of Getting Older Without Getting Old" cho biết.

Trong đó, ông mô tả những thí nghiệm mà các nhà khoa học đã thực hiện trên những con chuột 24 tháng tuổi (tương đương với 70-80 tuổi trên người) và giúp chúng tiếp tục sống lâu hơn từ 10-65%.

"Những con chuột này ít bị ung thư hơn, ít bị đục thủy tinh thể hơn, ít mắc bệnh về tim hơn. Chúng khỏe mạnh và không tỏ ra yếu đuối. Hơn nữa, những con chuột này cũng trẻ hơn về mặt nhận thức. Cả vẻ ngoài cũng vậy, chúng có bộ lông đẹp hơn, da dày hơn, đầy đặn hơn, ít lông bạc hơn - chúng trông thật tuyệt vời", Steele nói.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 9.

Bây giờ, Halioua tin rằng các thử nghiệm trên chó không chỉ nối dài các thành công trên chuột mà nó còn là cánh cửa dẫn vào thị trường thương mại hóa thuốc chống lão hóa đầu tiên, trước khi mở lối cho một thị trường thuốc chống lão hóa dành cho con người.

"Không giống như một sinh vật siêu lai như chuột, nếu có loại thuốc nào có thể hoạt động trên một loài vật phức tạp như chó, nó sẽ là một minh chứng mạnh mẽ hơn giúp chúng ta theo đuổi loại thuốc đó trên người", Halioua khẳng định.

Khả năng tài chính của chó, được định nghĩa bằng số tiền mà chủ nhân của chúng sẵn sàng chi cho vật nuôi của mình cũng rất lớn. Đó có thể là một bệ đỡ cho những ý tưởng của Loyal sau này. "Chúng tôi đang có kế hoạch sử dụng những gì chúng tôi học được ở loài chó để giúp "cha mẹ" chúng và cả những người không nuôi chó sống lâu hơn", Halioua nói.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 10.

Andrew Steele dự đoán với tốc độ phát triển của lĩnh vực khoa học chống lão hóa như hiện nay, chúng ta sẽ có được một loại thuốc ngăn chặn tuổi già trong vòng 10 năm nữa. Nhưng ban đầu, những viên thuốc như vậy sẽ chỉ được sử dụng để phòng ngừa, giúp những người già có nguy cơ mắc bệnh lão hóa chống lại căn bệnh của mình.

Cho đến nay, những căn bệnh giết người nhiều nhất là ung thư và bệnh tim mạch – cả hai đều là các bệnh liên quan trực tiếp đến thời gian sống của chúng ta. Số lượng bệnh nhân ung thư tăng lên với nguyên nhân chính không phải từ môi trường sống hay lối sống của chúng ta, mà là vì nhiều người chúng ta đã sống đủ lâu để mắc phải căn bệnh đó.

Vì vậy, kẻ thù thực sự đối với con người chính là tuổi tác chứ không phải bản thân các căn bệnh lão hóa. Sẽ đến một lúc nào đó các cơ quan y tế như FDA phải đứng trước lựa chọn khó khăn có nên chấp thuận các loại thuốc chống lão hóa cho tất cả mọi người hay không?

Là con người, chúng ta không thể bỏ qua nguyên nhân lớn nhất gây ra cái chết, bệnh tật và khổ đau cho chính chúng ta, Steele nói.

"Tôi không nghĩ ‘dã man’ là một từ quá đáng để nói về tuổi già. Nó không chỉ đánh cắp sự độc lập của bạn: Tuổi già là thứ đẩy bạn vào nguy cơ đối mặt với mọi vấn đế khác- không chỉ những thứ đến từ bên trong như ung thư, bệnh tim mạch – mà cả những mối đe dọa bên ngoài như vấp ngã hoặc bệnh truyền nhiễm".

Điều duy nhất cản trở một loại thuốc chống lão hóa được cấp phép sử dụng rộng rãi chỉ là chúng ta không biết tương lai sau đó là thế nào, khi con người mở ra chiếc hộp pandora cho phép chúng ta sống thêm 20, 50 hay thậm chí hàng ngàn tuổi để chạm tới cảnh giới của những vị thần?

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 11.

Paul Root Wolpe, giám đốc trung tâm đạo đức tại Đại học Emory, Hoa Kỳ cảnh báo một thế giới không già đi sẽ là "một thảm họa kinh tế". Theo ông, những lợi ích xã hội mà các doanh nhân chống lão hóa đang vẽ ra từ các loại thuốc của họ, như giảm chi phí chăm sóc y tế, tăng chất lượng sống cho người già chỉ "là một định hướng sai lầm".

"Tôi thấy những lập luận của họ cực kỳ ngây thơ, không đáng tin cậy về mặt xã hội học, và quan trọng nhất là quá ái kỷ. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ai đưa ra được một lý lẽ xác đáng chứng minh cho việc kéo dài tuổi thọ triệt để sẽ mang lại lợi ích cho xã hội – mà chỉ thấy đó là một mong muốn ích kỷ của bản thân họ, những người không muốn chết. Sự thật là họ muốn ngăn chặn quá trình lão hóa. Họ muốn sống khỏe mạnh đến 150 tuổi".

Theo quan điểm của Wolpe, các nhà khoa học và doanh nhân chống lão hóa đã cố tình làm giảm thiểu hoặc bỏ qua những tác động sâu xa của việc tăng tuổi thọ con người. "Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tuyên bố rằng dân số già ở Nhật Bản đã làm lực lượng lao động của họ biến mất, thúc đẩy nhu cầu đối với các dịch vụ xã hội cao hơn, thu hẹp ngân quỹ, làm tăng chênh lệch giàu nghèo - và đó mới chỉ là khi chúng ta đang sống với tuổi thọ hiện tại của mình. Nếu chúng ta tăng con số đó lên, tất cả những hệ quả kể trên sẽ tăng theo cấp số nhân".

Tới đây, sẽ có người cho rằng khi con người sống được lâu hơn, chúng ta cũng có thời gian để duy trì tuổi trẻ của mình lâu hơn và làm việc lâu hơn. Điều đó có nghĩa là dân số già vẫn giữ vị trí quan trọng trong lực lượng lao động.

Nhưng dưới quan điểm của một nhà xã hội học, Wolpe cho biết có rất ít bằng chứng ủng hộ ý tưởng này. "Bạn có thực sự nghĩ rằng một người bốc dỡ hàng hóa ở bến cảng, một người lao động nặng nhọc, một người đứng quầy thu ngân trong một cửa hàng đến tuổi 65 sẽ nói 'Sẽ rất tuyệt thôi! Tôi sẽ làm công việc này trong 50 năm nữa! ' Thật vô lý. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết mọi người ngày nay đều ghét công việc mà họ đang làm".

Ngoài vấn đề tuổi lao động, Wolpe nghĩ việc kéo dài tuổi thọ con người cũng làm tăng phân hoá về mặt chính trị. Đó là bởi người cao tuổi đi bỏ phiếu nhiều hơn nhiều so với giới trẻ. Tại nhiều quốc gia như Mỹ, những chính trị gia nắm quyền lực cao nhất thường là người ngoài 70 tuổi.

Già hóa bộ máy lãnh đạo sẽ khiến những người trẻ tuổi bị chèn ép cùng với những ý tưởng mới mẻ mà họ mang vào chính trường, những sáng tạo đột phá mà họ có thể tạo ra sẽ bị dập tắt.

"Bạn có nghĩ nếu thế hệ trước bạn sống đến 100 hoặc 150 tuổi, thì chúng ta sẽ có hôn nhân đồng tính, các phong trào hòa nhập đa dạng hay #MeToo?", Wolpe hỏi và cũng là để tự trả lời. "Phần lớn những đổi mới vĩ đại trong 50 năm qua là do những người trẻ tuổi tạo ra".

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 12.

Kế đó, câu hỏi tiếp theo là liệu những viên thuốc kéo dài tuổi thọ sẽ được phân phối như thế nào? Nó có làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội hiện tại hay không? Những người Mỹ hiện nay đang sống lâu hơn người Nigeria trung bình 30 năm.

Và khoảng cách chênh lệch đó không chỉ xảy ra giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Ví dụ như tại Anh, những người sống ở khu vực giàu có nhất sẽ sống lâu hơn gần 1 thập kỷ so với những người sống ở khu vực nghèo nhất.

Thuốc chống lão hóa ra đời chắc chắn sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng này, bởi chỉ những cá nhân và quốc gia đủ khả năng chi trả mới có thể mua được chúng. Ít nhất là những thế hệ thuốc đầu tiên sẽ chỉ dành cho người giàu và những nước phương tây, Steele cho biết.

Sau đó, ông nghĩ rằng các cơ chế bảo hộ sáng chế độc quyền sẽ hết hạn sau 20 năm. Và đó có thể là khoảng thời gian sớm nhất mà các nước nghèo và nhóm dân số có điều kiện chi trả thấp hơn tiếp cận được với các loại thuốc hoặc hình thức y tế kéo dài tuổi thọ của mình theo loại hình generic.

Một số người như Halioua đang theo đuổi một ý tưởng nhân văn hơn. Theo đó, cô muốn phát triển các loại thuốc chống lão hóa giá rẻ, để san phẳng bất bình đẳng này. "Thuốc chống lão hóa lý tưởng sẽ có giá chỉ ngang với thuốc statin, về cơ bản nó sẽ không đắt tiền", cô nói.

Nhưng liệu bình đẳng khả năng mở khóa tuổi thọ vô hạn của tất cả mọi người có phải là một lựa chọn khôn ngoan? Nó có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn không?

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 13.

Đó là những gì mà các nhà triết học và nhân khẩu học lo ngại nhất về một thế giới mà tất cả chúng ta đều có khả năng kéo dài tuổi thọ. Nếu cái chết bị đẩy lùi và con người luôn ở trong trạng thái khỏe mạnh nhất, không gian sống và tài nguyên của chúng ta sẽ sớm cạn kiệt. Và mặc dù chúng ta có thể sẽ không chết vì lão hóa, nhưng thiên tai, dịch bệnh và nạn đói vẫn có thể giết chết nhiều người trong một thế giới gặp khủng hoảng.

Viễn cảnh này dẫn chúng ta trở lại với thuyết Malthus, nói rằng cái chết của mỗi chúng ta chính là nút chặn khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu có quy mô như một trận đại hồng thủy.

Trong bài luận về nguyên tắc dân số xuất bản từ thế kỷ 18, nhà nhân khẩu học người Anh Thomas Malthus đã viết: "Khi quy mô dân số vượt trội so với nguồn lực mà Trái Đất có thể cung cấp để tạo ra sự sống cho con người, một làn sóng chết chóc theo cách này hoặc cách khác sẽ đến viếng thăm loài người".

Là một trong những người đầu tiên nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa nguồn cung lương thực và dân số, Malthus nói rằng tiến bộ trong nông nghiệp đã dẫn đến tăng năng suất cây trồng, rồi dẫn tới một giai đoạn dân số gia tăng nhanh chóng.

Nhưng nếu sự gia tăng dân số này không được kiểm soát và vượt ra khỏi khả năng nuôi sống tất cả chúng ta, một thảm họa Malthus được đặt theo tên ông sẽ xuất hiện. Chiến tranh tranh giành nguồn lực, đói nghèo, dịch bệnh và sau đó là biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ làm nhiệm vụ "reset" dân số toàn cầu về một ngưỡng bằng với nguồn lực của Trái Đất.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 14.


Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 15.

John K. Davis, giáo sư triết học tại Đại học California, tác giả của cuốn sách "New Methuselahs: The Ethics of Life Extension" cho biết trong tất cả các lập luận chống lại ý tưởng kéo dài tuổi thọ con người, thảm họa Malthus là điều khiến ông lo lắng nhất.

Thực hiện một dự án, Davis đã hợp tác với một nhà nhân khẩu học để tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta sống được đến 150 hay thậm chí là 1.000 tuổi. Họ đã chạy các mô hình máy tính để thấy trong kịch bản đầu tiên, nếu mỗi phụ nữ chỉ có 2 con thì chỉ cần tới cuối thế kỷ này, dân số loài người sẽ tăng gấp 3, đạt mốc 21 tỷ vào năm 2100 thay vì chỉ hơn 10 tỷ như dự đoán hiện nay.

"Chúng tôi đã thấy ngay cả một sự gia tăng khiêm tốn trong tuổi thọ con người cũng sẽ tạo ra một thảm họa Malthus", Davis nói.

Muốn tránh điều đó, chúng ta buộc phải có các chính sách giảm sinh. Chẳng hạn như trong kịch bản thứ nhất của Davis, ông nghĩ một thế giới có thể tồn tại khi chúng ta sống tới 150 tuổi, nhưng trong hai người phụ nữ thì chỉ có một người được phép đẻ một người con trong suốt cuộc đời mình.

Như vậy thế giới mới có thể làm chậm đà tăng dân số cho tới năm 2100, chính sách có thể được nới lỏng hơn khi dân số bắt đầu giảm trở lại do thế hệ uống thuốc chống lão hóa đầu tiên bắt đầu rời bỏ thế giới. Nhưng trong kịch bản thứ hai, nếu con người sống được tới 1.000 tuổi, chúng ta sẽ phải hạn chế sự ra đời của trẻ em cho tới tận năm 2950, hay kéo dài hơn 850 năm nữa.

Davis nói rằng cái giá cho cuộc sống lâu hơn sẽ khiến con người phải đối mặt với nhiều vấn đề về mặt đạo đức, ít nhất là những thiết chế đạo đức chúng ta đang thiết lập cho cuộc sống dưới 100 năm của mình. Chẳng hạn như ai sẽ được quyền sinh con? Liệu chúng ta có đang đánh cắp chính cuộc sống của những thế hệ con cháu của mình?

Ông thừa nhận những giải pháp mình đưa ra là không hoàn hảo. Nhưng để giải quyết khủng hoảng Malthus, chúng ta sẽ phải nhượng bộ thứ gì đó nếu vẫn muốn đạt được tuổi thọ như những vị thần.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 16.

Những doanh nhân đang theo đuổi ngành công nghiệp thuốc chống lão hóa không phải không biết đến những vấn đề mà họ có thể gây ra. Nhưng họ giữ cho mình một sự lạc quan đúng như tinh thần của Thung lũng Silicon: Công nghệ sẽ luôn là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Nếu phải đối mặt với một vấn đề khó hơn, chúng ta đơn giản chỉ cần đến công nghệ tốt hơn.

Mark Allen, CEO và đồng sáng lập của Elevian, một công ty công nghệ sinh học tại cũng đang theo đuổi các liệu pháp trường sinh cho biết: "Chúng ta sẽ không có một công nghệ để giải quyết tất cả những vấn đề này. Nhưng chúng ta đang tìm nhiều cách để có được năng lượng sạch hơn, làm thế nào để có thực phẩm lành mạnh, giảm ô nhiễm, chung sống hòa bình hơn và du hành vào không gian".

Đồng ý với Allen, Steele cũng tỏ ra lạc quan về một tương lai mà chúng ta có thể thích nghi với dân số vượt ngưỡng: "Nếu chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn một chút để giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên, sử dụng đất, tôi rất vui lòng làm như vậy nếu điều đó có nghĩa là đột nhiên không ai chết vì ung thư hoặc bệnh Alzheimer", ông nói.

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 17.

Nhưng ngay cả khi chúng ta tin rằng mình có thể đối phó được với một hành tinh dần trở nên chật chội, giải quyết vấn đề bất bình đẳng, cung cấp đủ lương thực và điều kiện sống cho những vị thần bất tử, vẫn còn một vấn đề các nhà triết học nghĩ họ cần giải quyết: Cái chết!

Nhà đạo đức sinh học Leon Kass, cựu chủ tịch hội đồng đạo đức sinh học Hoa Kỳ từng nói: "Cái chết làm cho cuộc sống trở nên quan trọng". Hay nói một cách khác, cái chết đem lại giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Trong một thế giới mà cái chết bị đẩy lùi, Kass sợ rằng nhân loại sẽ trở nên lười biếng, buông thả và không quan tâm đến bất cứ điều gì.

Không giống như các loài động vật khác, con người chúng ta có khả năng hình dung ra cái chết và sợ hãi nó theo những cách cụ thể. Chính vì nỗi sợ hãi đó, chúng ta được thúc đẩy tận dụng tối đa thời gian mà chúng ta có. Các tỷ phú thì muốn phát triển các công nghệ để bay vào vũ trụ còn người bình thường sẵn sàng tham gia vào các thử nghiệm thuốc lâm sàng có rủi ro.

"Nếu bạn có thể sống mãi mãi, tại sao phải ra khỏi giường vào buổi sáng hôm nay vì bạn sẽ luôn luôn có một ngày mai khác", nhà vật lý thiên văn, đồng thời là người dẫn chương trình khoa học nổi tiếng Neil deGrasse Tyson từng nói trong một chương trình khi ông thảo luận về cái chết.

00:18:12

Khi một nhà triết học 97 tuổi đối mặt với cái chết, ông ấy đã nghĩ gì?

Vậy là khi thời gian sống là vô hạn, chúng ta có thể thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa. Như tiểu thuyết gia Susan Ertz từng viết: "Hàng triệu người bất tử sẽ chẳng biết làm gì trong một chiều mưa chủ nhật".

Bạn hãy tưởng tượng bản thân mình ở tuổi 502, khi bạn đã làm được mọi thứ mà bạn muốn, chứng kiến mọi thứ mà bạn nghĩ mình cần thấy, trải nghiệm tất cả các cảm xúc mà mình muốn trải nghiệm, sau đó bạn có dự định gì trước sinh nhật thứ 602 của mình?

"Công bằng mà nói, tôi nghĩ một cuộc sống chỉ có giá trị khi mà người đang sống cuộc sống ấy tìm được cái cảm giác rằng nó đáng sống, hoặc khi nó đáng giá để người đó tiếp tục cuộc sống theo cách của họ", Davis nói.

Vì vậy, phần lớn chúng ta có thể đồng ý rằng bất kỳ cuộc sống của ai, dù là ở tuổi 20, 80 hay 502 đều có giá trị về mặt khách quan. Nhưng bản thân mỗi người, ở góc độ chủ quan, không thể biết được khi sống ngoài 500 tuổi, chúng ta có còn cảm thấy cuộc sống của chính mình có đáng giá hay không?

Và Davis thừa nhận rằng ngay cả các nhà khoa học bây giờ cũng không hề có hệ quy chiếu nào để trả lời câu hỏi đó, bởi đơn giản là chúng ta chưa sống được đến độ tuổi đó để thực hiện bất kỳ cuộc khảo sát nhân khẩu học và sức khỏe tâm thần nào.

Trong trường hợp xấu nhất khi tuổi của các vị thần làm cho con người trở nên mệt mỏi và chán nản với cuộc sống bất tử của mình, Davis nghĩ rằng chúng ta lại phải chế ra một viên thuốc chống buồn chán cho những người bất tử. Và nó sẽ cần có mặt ở đâu đó vào giữa thế kỷ 31.

Cuối cùng, trái ngược với sự nhàm chán của những người bất tử, khi cuộc sống trở nên vô hạn, những người trẻ có thể sẽ cảm thấy dè dặt hơn để sống cuộc đời sôi nổi của chính mình. Trong một tương lai mà bệnh tật không còn có thể giết chết con người, thứ duy nhất có thể tước đi cuộc sống kéo dài hàng trăm năm phía trước họ lại chỉ là một tai nạn ngớ ngẩn như đạp nhầm chân ga với chân phanh.

Các nhà tâm lý học nói rằng khi chi phí cơ hội của một quyết định là quá lớn, con người sẽ rơi vào một trạng thái tê liệt vì nỗi sợ mất mát. Nhất là khi phải đối mặt với lựa chọn đánh mất cuộc đời hàng trăm năm nữa của mình.

Khi được hỏi cô nghĩ về vấn đề này, lần đầu tiên Halioua phải tỏ ra bối rối khi không có câu trả lời. "Tôi không biết", cô ấy nói. "Tôi cho rằng ngay cả nhiều người sống với tuổi trung bình bây giờ đã có chứng tê liệt tiềm ẩn này. Có lẽ nó sẽ đáng ngại hơn. Tôi chưa nhìn thấy một thế giới mà chúng ta bắt đầu trở nên quá khiếp sợ với những vụ tai nạn xe hơi, nhưng có lẽ chúng ta sẽ thấy điều đó xảy ra thật thì sao".

Big Tech sẽ giúp chúng ta có thuốc kéo dài tuổi thọ trong 10 năm tới: Hậu quả của điều đó là gì? - Ảnh 19.

Sau một thoáng ngừng lại, nét mặt cô gái 27 tuổi bắt đầu tỏ ra rạng rõ hơn. Halioua nói: "Có lẽ Tesla cần đưa xe tự lái của họ ra thì trường và marketing theo cách đó – "Nguyên nhân gây chết người hàng đầu thế giới đã bị Tesla loại bỏ!".

Một lần nữa, câu trả lời cho những vấn đề do công nghệ tạo ra là hãy phát triển công nghệ tốt hơn. Nhưng đó chỉ là dưới góc nhìn của những doanh nhân trẻ tuổi ở Thung lũng Silicon, những người đã quen với việc thỏa mãn ham muốn đột phá của mình.

Còn đối với các nhà triết học và đạo đức khoa học, một liều thuốc trường sinh vẫn là thứ gì đó mà chúng ta cần hết sức thận trọng. Nhân loại cần đi trên con đường trở thành các vị thần với đôi mắt mở to, không phải vì sự ham muốn món bảo vật, mà là để cảnh giác với sự nguy hiểm của chính món bảo bối ấy có thể gây ra.

Tham khảo Newstatesman, Qz, Thescientist

Nguồn: Genk

#Tin Cùng Chuyên Mục
#Có Thể Bạn Chưa Biết