Âm thầm chi 30 tỷ USD ‘mua chuộc’ các nhà phát triển nội dung dù chưa ra mắt chính thức: 'Đòn chí mạng' Youtube Shorts đánh vào TikTok

Người Đưa Tin16 tháng 7, 2021 • 7 min read • 

Như tin đã đưa, mới đây, Youtube vừa chính thức ra mắt Youtube Shorts trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Đây là công cụ tạo video dạng ngắn mới của Youtube, cho phép người dùng trải nghiệm và sáng tạo các video ngắn bằng điện thoại di động. Lần đầu tiên công bố vào tháng 9/2020, Youtube đang dần mở rộng công cụ Shorts tới 100 quốc gia khắp thế giới - những nơi mà Youtube có mặt.

"Đây là lần đầu tiên người dùng trên khắp thế giới sẽ có thể truy cập vào các công cụ sáng tạo của Shorts, bao gồm cả việc sử dụng camera quay nhiều phân khúc để kết nối nhiều đoạn video với nhau, khả năng quay video cùng với nhạc, điều khiển cài đặt tốc độ và nhiều hơn nữa", YouTube cho biết.

Giới chuyên gia đều nhận định rằng bước đi mới của Youtube sẽ khiến thị trường video ngắn trở nên sôi động và cạnh tranh hơn, không còn trong trạng thái gần như độc quyền của TikTok.

"Đòn chí mạng"

Điểm đáng chú ý trong lần ra mắt này của Youtube Shorts là việc họ "chơi lớn" khi tuyên bố đã thành lập ra quỹ 100 triệu USD để chi trả cho các nhà sáng tạo nội dung trong vòng 1 năm tới. Đây được đánh giá là "đòn chí mạng" Youtube Shorts đánh vào TikTok.

Cụ thể, công ty hôm nay đã công bố về Youtube Shorts Fund - một quỹ trị giá 100 triệu USD để trả cho những người sáng tạo trên Shorts có nội dung được xem nhiều nhất và hấp dẫn nhất của trong giai đoạn từ năm 2021 - 2022.

Tuy nhiên, người sáng tạo sẽ không thể đăng ký nhận tiền từ quỹ để hỗ trợ sản xuất nội dung. Thay vào đó, mỗi tháng, Youtube sẽ tiếp cận với những người sáng tạo có video vượt quá các mốc nhất định để thưởng cho những đóng góp của họ.

Công ty dự kiến sẽ chi tiền cho "hàng ngàn" người sáng tạo nội dung mỗi tháng. Được biết, những người sáng tạo này sẽ không cần phải tham gia chương trình đối tác của Youtube, bất kỳ ai cũng đủ điều kiện nhận phần thưởng bằng cách tạo nội dung gốc cho Youtube Shorts.

Hiện phía Youtube từ chối chia sẻ chi tiết cụ thể hơn về hoạt động của quỹ, bao gồm cách người sáng tạo sẽ được xem xét hoặc các ngưỡng cụ thể để nhận khoản thưởng. Công ty cũng sẽ không cung cấp chi tiết về việc liệu người sáng tạo trên Youtube có thể nhận được nhiều khoản thanh toán trong cùng một khoảng thời gian hay không nếu họ có một số video đủ điều kiện hoặc bất kỳ chi tiết nào khác.

Dù nhấn mạnh rằng chỉ có nội dung "gốc" mới nhận được khoản tiền thưởng, nhưng Youtube Shorts hiện chưa làm rõ cách thức họ sẽ kiểm tra để đảm bảo nội dung chưa được tải lên trên một nền tảng khác, như Snapchat hoặc Tiktok.

Thay vào đó, Youtube cho biết chi tiết về các khoản thưởng và chứng chỉ liên quan tới quỹ dự kiến sẽ được công bố vào một thời điểm nào đó trong vài tháng tới.

Đặc biệt, công ty tiết lộ đã đã trả hơn 30 tỷ USD cho những người sáng tạo, nghệ sĩ và công ty truyền thông trong ba năm qua. Chính vì vậy, họ hy vọng quỹ mới sẽ giúp xây dựng một mô hình kiếm tiền dài hạn cho Youtube Short trong tương lai.

Trên thực tế, Youtube không phải là nền tảng duy nhất đe dọa Tiktok bằng cách vung tiền "mua chuộc" người sáng tạo nội dung. Snapchat đã trả 1 triệu USD mỗi ngày cho những người sáng tạo cho các video hoạt động trên Spotlight - bản sao Tiktok của riêng họ. Thậm chí một số người đã trở thành triệu phú nhờ sáng tạo nội dung cho Spotlight.

Nguồn tin của WSJ cho hay, Instagram thuộc sở hữu của Facebook cũng đã đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn cho các ngôi sao Tiktok hàng đầu để sử dụng dịch vụ mới của mình có tên Reels.

Dĩ nhiên, bản thân TikTok cũng không ngồi im. Nền tảng video này tuyên bố quỹ của mình sẽ tăng lên hơn 1 tỷ USD riêng ở thị trường Mỹ trong ba năm tới và thậm chí nhiều gấp đôi trên toàn cầu. Tháng 3 này, TikTok cũng bổ sung thêm một yêu cầu khác để nhận các khoản thanh toán của quỹ, bao gồm có ít nhất 100 nghìn lượt xem xác thực trong 30 ngày qua - một tín hiệu cho thấy họ đang thiết lập tiêu chí cao hơn.

Khiến TikTok "khóc thét"

Ngoài việc dựa vào sự chống lưng của ông lớn Youtube, Youtube Shorts còn có nhiều tính năng giống, thậm chí có phần nổi trội hơn TikTok. Đây cũng là mối lo ngại cực lớn với TikTok.

Ví dụ như tính năng lấy âm thanh mẫu không chỉ từ các video Shorts khác mà còn từ các video trên khắp YouTube, nền tảng chứa hàng tỉ video trên toàn cầu, mở ra một sân chơi sáng tạo mới chưa từng có.

Điều này có nghĩa là người dùng có thể đưa ra một bộ sưu tập những nội dung sáng tạo mà họ thích xem trên YouTube và giúp nó tiếp cận đối tượng khán giả mới dù đó là phản ứng với trò đùa yêu thích của họ, thử sức với những công thức nấu ăn mới của một nhà sáng tạo nội dung, hay diễn lại những tiểu phẩm hài.

Những nhà sáng tạo sẽ có quyền kiểm soát và có thể chọn không tham gia Shorts nếu họ không muốn video dạng dài của mình được phối lại.

Việc Youtube giúp mọi người sử dụng Shorts để thưởng thức và khám phá nội dung từ người sáng tạo cũng là một mấu chốt khi trải nghiệm sản phẩm.

Đó là lý do tại sao ngay cả trước khi công bố các công cụ, trên trang chủ YouTube đã có phần đặc biệt dành cho Shorts, cho phép dễ dàng vuốt dọc từ video này sang video tiếp theo, và thẻ (tab) Shorts sẽ sớm có mặt trên thiết bị di động giúp người dùng có thể truy cập vào công cụ dễ dàng hơn chỉ với một lần nhấn.

Công cụ Shorts cũng sẽ được tích hợp trên ứng dụng YouTube vốn đã quen thuộc và nhận được sự yêu mến từ người dùng. Ví dụ: Nếu người dùng nghe một đoạn trích của bài hát trên Shorts, họ có thể dễ dàng tìm thấy toàn bộ bài hát, xem video nhạc hoặc tìm hiểu thêm về nghệ sĩ, tất cả đều có trên YouTube.

Đến hôm nay, YouTube Shorts đã vượt qua 6,5 tỷ lượt xem hàng ngày trên toàn cầu.

Nguồn: Genk

#Tin Cùng Chuyên Mục
#Có Thể Bạn Chưa Biết