Văn hoá đọc trong kỷ nguyên số: Thói quen đọc lướt tăng, nghiền ngẫm giảm

Người Đưa Tin17 tháng 11, 2021 • 6 min read • 

Hội thảo góp phần tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi để xác định các giải pháp góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng trong kỷ nguyên số. Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng nhu cầu, xu hướng đọc của thanh, thiếu niên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin.

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn.

Văn hoá đọc của công dân số

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, sự phát triển của khoa học công nghệ, internet và mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok) đã và đang ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Trong đó, có sự thay đổi trong nhận thức, hành động và thói quen tìm hiểu, học hỏi, khám phá thế giới thông qua đọc sách.Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, việc các trường học, thư viện đóng cửa đã gây cản trở cho học sinh trong việc phát triển văn hoá đọc. Trong bối cảnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin việc tiếp cận văn hoá đọc đang chuyển hướng. Thay vì lật, giở và tìm thông tin trên các trang giấy hoặc đến thư viện, giới trẻ chủ yếu bấm trên thiết bị thông minh, gõ hoặc “search” trên các ứng dụng tìm kiếm.Phân tích việc đọc sách của Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2006), TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đây là thế hệ có thói quen làm việc đa nhiệm và tốc độ dẫn đến văn hoá đọc lướt tăng, đọc nghiềm ngẫm đi xuống.“Thế hệ Z là những công dân số, sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen của họ trong việc đọc sách. Sự chú ý của Gen Z ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là con chữ. Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này làm cơ sở xây dựng các chính sách khuyến học phù hợp,” TS Trần Thanh Nam chia sẻ.Đồng quan điểm với TS Trần Thành Nam, Tổng biên tập NXB Thanh niên Lê Thanh Hà đặt vấn đề Chương trình giáo dục phổ thông dù giảm tải nhưng vẫn còn nặng. Học sinh làm bài tập đến tối muộn, học thêm, học chính khóa kín thời gian biểu, vậy còn đâu thời gian đọc sách. Các em đọc sách chỉ để trả bài, để làm bài được điểm cao trên lớp. Thói quen đó dần dần làm cảm hứng đọc sách của giới trẻ.

Khơi gợi văn hoá đọc

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang: Mỗi đợt dịch bệnh bùng phát, trường học đều phải đóng cửa. Ngành giáo dục triển khai học trực tuyến nhưng việc duy trì thói quen đọc sách cho học sinh tại thư viện không thể thực hiện được như trước đây. Vì vậy, bà Vương Hương Giang đề xuất xây dựng website đọc sách trực tuyến sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh tất cả các vùng miền, cấp học. Website này cung cấp bản mềm sách giáo khoa; có sách văn học, kỹ năng sống, truyền cảm hứng; có sách nói nhiều ngôn ngữ; có mục giới thiệu sách dưới dạng bài viết hay video.

Học sinh đọc sách tại thư viện Dream Plus Library (Thư viện Những ước mơ). Ảnh: Lại Tấn.

Thực tế, giữa mùa dịch bệnh, nhiều thư viện đã đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa đọc, tổ chức nhiều chương trình bổ ích liên quan đến sách trên các nền tảng online. Đây là hoạt động nổi bật của công tác phát triển văn hóa đọc tại thư viện trong bối cảnh mới.Đơn cử, Thư viện Hà Nội đã thay đổi từ hoạt động truyền thống sang hoạt động trên nền tảng số để đáp ứng nhu cầu của độc giả trẻ. Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng độc giả của Thư viện Hà Nội vẫn được duy trì ổn định, trung bình phục vụ hơn 1,3 triệu lượt bạn đọc, với gần 2,2 triệu lượt tài liệu mỗi năm. Trong đó, có số lượng lớn độc giả thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt, Thư viện Dream Plus Library (Thư viện Những ước mơ), dự án đặt tại tầng 4 của Thư viện Hà Nội ra mắt hồi đầu năm 2021 dành cho bạn đọc trẻ tuổi với thiết kế sinh động, trang thiết bị hiện đại, để các em thoải mái đọc sách, xem phim, trải nghiệm văn hóa.Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến không gian giao tiếp bên ngoài và các hoạt động vui chơi giải trí hầu như bị tạm dừng, trong đó việc tổ chức các chương trình cho thanh thiếu niên cũng bị ảnh hưởng. Do đó, hoạt động thư viện cần chủ động bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thời đại, sử dụng Internet để kết nối, giúp thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng nguồn thông tin của các thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn, đẩy mạnh số hóa tài liệu để các bạn trẻ có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính.

Tôi đã tìm kiếm và biết đến nhiều cuốn sách bổ ích để đọc thông qua các nền tảng số, như Facebook, YouTube. Tôi cũng tích cực sử dụng và tham gia các nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ những cuốn sách mình yêu thích, sở thích đọc sách với bạn bè và lan tỏa tình yêu sách đến với cộng đồng. Tuy nhiên, thời đại số cũng ra đời những phương tiện giải trí hấp dẫn, cuốn hút đối tượng thanh thiếu nhi như mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim, nhạc. Điều này đặt ra thách thức lớn để duy trì và phát triển văn hóa đọc ở người trẻ.Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021 Nguyễn Minh Phương

Nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị điện tử

#Tin Cùng Chuyên Mục
#Có Thể Bạn Chưa Biết