Nơi dự trữ nước ngọt khổng lồ Greenland đang mất 357 tỷ tấn băng mỗi năm

Người Đưa Tin16 tháng 11, 2021 • 3 min read • 

Sẽ không ngạc nhiên khi tình trạng băng tan ở các cực đang ngày càng trầm trọng hơn do hiện tượng Trái Đất ấm lên. Nhưng cho đến nay chúng ta chưa có được một ước tính sơ bộ chính xác nhất về lượng băng đang tan chảy ở một trong những nơi dự trữ nước ngọt dưới dạng băng lớn nhất của Trái Đất, đó là Greenland.

Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature Communications mới đây, lượng băng đang tan chảy ở Greenland là một con số khổng lồ.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Leeds, Anh Quốc thực hiện đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh CryoSat-2 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu để ước tính lượng băng trôi chảy trong thập kỷ qua do biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Thomas Slater cho biết: "Như chúng ta đã thấy với các khu vực khác trên thế giới, Greenland cũng dễ bị tổn thương do sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Khi khí hậu ấm lên, tình trạng tan băng ở Greenland sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Những quan sát như vậy là bước quan trọng giúp chúng tôi cải thiện mô hình khí hậu và dự đoán tốt hơn những gì sẽ xảy ra trong thế kỷ này".

Nghiên cứu cho thấy lượng băng tan chảy đã tăng 21% kể từ năm 2011, tương đương với khoảng 357 tỷ tấn băng đang tan chảy mỗi năm ở Greenland.

Tiến sĩ Slater vẫn hy vọng rằng, các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải đầy tham vọng của con người có thể giúp giảm lượng băng tan và mất đi tại Greenland xuống 3 lần và tất nhiên chúng ta vẫn còn thời gian để đạt được mục tiêu này.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Amber Leeson khẳng định: "Các ước tính mô hình cho thấy những tảng băng ở Greenland sẽ đóng góp từ khoảng 3 - 23cm vào mực nước biển toàn cầu dâng lên vào năm 2100. Dự đoán này có phạm vi khá rộng, một phần do sự không chắc chắn liên quan đến việc mô phỏng quá trình băng tan phức tạp, bao gồm cả thời tiết cực đoan. Những ước tính mới về dòng chảy trong không gian này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các quá trình băng tan phức tạp, cải thiện khả năng mô hình hóa và do đó cho phép chúng ta điều chỉnh các ước tính về mực nước biển dâng trong tương lai".

Bằng cách kết hợp các quan sát vệ tinh trong thời gian thực với các mô hình khí hậu phức tạp, các nhà nghiên cứu như Tiến sĩ Leeson và Slater hy vọng các nhà khoa học có thể điều chỉnh lại các dự đoán sao cho phù hợp nhằm ngăn chặn các thảm họa môi trường trong tương lai.

Tham khảo Earth

Nguồn: Genk

#Tin Cùng Chuyên Mục
#Có Thể Bạn Chưa Biết